Từ chuyển biến tư duy đến hành động thực tiễn
Nếu như trước đây, người nông dân chỉ thuần túy canh tác theo tập quán, thì ngày nay họ đã bắt đầu chủ động tiếp cận với các mô hình sản xuất bền vững, giảm phát thải, hướng tới yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Họ không chỉ “làm ra lúa” mà còn là những người “kiến tạo hạt gạo sạch”, đáp ứng cả tiêu chí kỹ thuật lẫn trách nhiệm môi trường.
Tại Hậu Giang - một trong những địa phương đi đầu triển khai đề án, nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, chuyển đổi quy trình canh tác truyền thống sang mô hình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” hoặc tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP).
Ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành, chia sẻ: “Trước đây khâu cắt, gom, suốt lúa cần nhiều nhân công, giờ đã khác. Sạ lúa và phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch bằng máy liên hợp,... nông dân khỏe hơn mà năng suất, chất lượng lúa gạo cũng cao hơn”.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, nhiều nông dân đã ý thức rõ hơn vai trò bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị nông sản. Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Long (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy) nhấn mạnh: “Làm nông nghiệp hữu cơ là để đáp ứng thị trường, làm điều thị trường cần, chứ không còn là bán những gì mình có như trước nữa”.
Hợp tác xã - “hạt nhân” tổ chức lại sản xuất
Trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò then chốt. Đây là cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp, giữa đồng ruộng với thị trường, giữa chính sách của Nhà nước với hành động cụ thể tại cơ sở.
Tại xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - nơi đang triển khai mô hình cánh đồng lớn, ông Lê Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: “Chúng tôi phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông, hợp tác xã và nông dân để áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm dịch hại, nâng chất lượng lúa. Hai hợp tác xã của xã đang thực hiện thí điểm theo đúng quy trình về lúa chất lượng cao gắn với xuất khẩu”.
Theo Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” là nông dân giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Bên cạnh đó, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt hơn 70% diện tích; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng đưa hạt gạo Việt ra thế giới bằng sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất, ít phát thải nhất". Đó là cam kết của người dân Hậu Giang nói riêng và của cả nước nói chung.
Tư duy mới, quyết tâm mới của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo nên khí thế mới trên từng cánh đồng. Không còn cảnh “chạy gạo từng bữa”, cây lúa hôm nay đang mở ra một hướng đi xanh, bền vững, góp phần khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, yếu tố quan trọng giúp đề án thành công là cần có các mô hình kiểu mẫu từ hợp tác xã làm điểm, để bà con đến học tập và nhân rộng. Song song đó, các viện, trường, đơn vị nghiên cứu cũng cần tăng tốc cung cấp giống mới, giải pháp mới để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Đổi mới từ cơ sở - lan tỏa từ nhân dân
Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là bảo đảm lợi nhuận cho nông dân ở mức hơn 40% vào năm 2025 và hơn 50% vào năm 2030. Cụ thể, bảy mô hình điểm cấp Trung ương đã triển khai tại năm tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới.
Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2,0-12,0 tấn CO2 tương đương/ha.
Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành trong hành trình “Chuyển mình” của hạt gạo, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã dần hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo của khu vực theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu là: nâng cao giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
Đây thật sự là hướng đi phù hợp để các hợp tác xã và nông dân nâng cao vai trò, vị thế của người trồng lúa trong bảo vệ môi trường.