Long An tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số

Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Long An đang phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia, doanh nghiệp… xây dựng giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An ứng dụng công nghệ xe nâng hàng hóa vào hoạt động sản xuất để giảm chi phí lao động.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An ứng dụng công nghệ xe nâng hàng hóa vào hoạt động sản xuất để giảm chi phí lao động.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Minh Hải cho biết, thời gian qua hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã đưa Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) của tỉnh qua các năm đạt trung bình khoảng 20,59%, cao hơn mục tiêu trung bình cả nước là 0,59%, xếp thứ 12 toàn quốc và thứ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các chỉ số thành phần như: Chỉ số lượng bảo hộ tài sản trí tuệ, số lượng doanh nghiệp có chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tính năng động của chính quyền địa phương... đang dẫn đầu so với cả nước.

Kết quả đạt được của việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng 11,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 11,72%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,29%; ngành cung cấp nước, quản lý, xử lý rác và nước thải tăng 2,29%. Đến cuối tháng 4/2025, toàn tỉnh có 35/74 nhóm ngành sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ như: sản phẩm bằng plastic; thiết bị bán dẫn; hàng may mặc…

Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân đã nộp hơn 10.500 đơn đăng ký nhãn hiệu; 740 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 105 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và hơn 6.400 đơn xin cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu; 480 đơn xin cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 34 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích…

Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia được quán triệt trên địa bàn tỉnh Long An đã tạo được bước đột phá trong nhận thức và hành động; tạo được khí thế mới, xung lực mới, nhất là với người làm công tác khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Các kết quả đạt được đang tạo tiền đề vững chắc cho Long An triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57 để sớm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Long An thời gian qua còn chậm về tốc độ và chưa bứt phá. Quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được đầu tư nhưng còn hạn chế, chưa kết nối hiệu quả các nguồn lực công-tư cho phát triển; cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ chưa hỗ trợ được nhiều cho các tổ chức, doanh nghiệp; chính sách thu hút, đãi ngộ chuyên gia, các nhà khoa học đến Long An làm việc chưa phát huy hiệu quả tích cực; hạ tầng công nghệ số chưa được đầu tư đầy đủ và đồng bộ…

Để Nghị quyết số 57 sớm đi vào cuộc sống, Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 lọt vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Cách làm của tỉnh là lấy chỉ số năng suất và các yếu tố tổng hợp (TFP) làm cơ sở đánh giá; nâng mức đóng góp của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt tối thiểu 55%/năm; bố trí từ 2-3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Tỉnh tiến hành đặt hàng các viện, các trường từ 15-20 nhiệm vụ nghiên cứu theo từng năm triển khai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, tỉnh thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số…

Đó là việc hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực như: ngành Nông nghiệp duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc nông sản; ngành Công thương hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; ngành Thuế triển khai hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, sử dụng ứng dụng Long An số trên nền tảng “Công dân số Long An”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Quyết chia sẻ: Long An có nhiều tiềm năng phát triển đa dạng, do đó việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết. Điều này không chỉ giúp tỉnh khai thác tối đa lợi thế, giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển mà còn tạo ra những động lực tăng trưởng mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.