An cư lạc nghiệp
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025, Đoàn công tác do đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo làm trưởng đoàn đã đến thăm, trao quà, bàn giao nhà tình nghĩa tặng các gia đình đồng bào dân tộc Khmer có công với cách mạng tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Tại lễ bàn giao nhà, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Đây không chỉ là mục tiêu an sinh xã hội, mà còn là thông điệp nhân văn, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cũng là một hộ nhận được nhà mới trong dịp này, bà Sa Tụm phấn khởi nói: “Gia đình tôi vui đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025 trong ngôi nhà mới khang trang. Đây là món quà rất ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Khi đã có chỗ ở ổn định, gia đình tôi có thêm động lực, niềm tin vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Trà Vinh Kiên Ninh cho biết, tỉnh luôn xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đến cuối năm 2024, số hộ nghèo là người dân tộc Khmer chỉ còn 1.317 hộ, chiếm 1,46%; hộ cận nghèo là 2.426 hộ, chiếm 2,7%.
Các chính sách về y tế, giáo dục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Sau nhiều năm sống chật vật trong căn nhà chật hẹp, xuống cấp, gia đình chị Thạch Sầm Nạch ở Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã có căn nhà mới khang trang đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025. Chị Nạch chia sẻ, đây là nguồn động viên to lớn đối với gia đình chị. Trong năm mới, cả nhà chị quyết tâm lao động chăm chỉ hơn để kinh tế gia đình vươn lên khá giả.
Gia đình chị Thạch Sầm Nạch là một trong 8.673 hộ được trao nhà mới trong chương trình xóa nhà tạm do tỉnh Sóc Trăng thực hiện. Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm tỉnh đã hoàn thành xóa nhà tạm trong đồng bào Khmer trên địa bàn; phấn đấu đến ngày 30/6/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào Khmer.
Đến nay, 100% số xã của tỉnh Sóc Trăng đã có đường ô-tô đến trung tâm xã; 100% số xã, phường, thị trấn và 100% số ấp, khóm có điện lưới quốc gia; có 75/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 38 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; 10 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,8%, trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đạt 64%. Chất lượng y tế và giáo dục được cải thiện đáng kể...
Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Không chỉ được hỗ trợ về nhà ở, người dân còn được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Ông Danh Út, người dân tộc Khmer ở xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang là một trong những tấm gương điển hình. Cuối năm 2023, sau khi được hỗ trợ 10 triệu đồng, ông đầu tư nuôi hơn 3.000 con lươn, khi thu hoạch bán được gần 80 triệu đồng.
Với nghề thợ xây, ông cùng con trai nhận làm các công trình của người dân trong vùng, tạo thu nhập ổn định, bình quân 100 triệu đồng mỗi năm. “Được hỗ trợ, tôi thấy mình phải cố gắng để vươn lên, không phụ lòng tin của Đảng và Nhà nước”-ông Danh Út cho biết.
Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 4.000 người dân tộc Khmer, qua đó tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Từ năm 2021 đến cuối năm 2024, mỗi năm, tỉnh giảm hơn 2.000 hộ nghèo và cận nghèo là người dân tộc Khmer. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số lên hơn 70 triệu đồng/người/năm; giảm 1,5-2% hộ nghèo/năm; phấn đấu có ít nhất 50% số xã, ấp thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Ông Danh Kha, Khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, hiện sở hữu hơn 100 công đất trồng lúa, hoa màu và nuôi tôm, mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân nghèo phát triển sản xuất.
Ông Trương Thanh Nhã, Bí thư Chi bộ Khu phố 2 nhận xét: “Ông Danh Kha là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, đi lên từ bàn tay lao động, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa”.
Tại Sóc Trăng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ngành chăn nuôi heo châu Á của Tập đoàn De Heus phối hợp Công ty Tân Tài Lộc, xây dựng diện tích gần 10 ha, là mô hình hợp tác công-tư tiêu biểu trong nông nghiệp công nghệ cao.
Người đứng đầu trung tâm là anh Diệp Kỉnh Tân, một thanh niên dân tộc Khmer, quê ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Sau thời gian khởi nghiệp thành công với chăn nuôi bò sữa, anh Tân tiếp tục mở rộng mô hình nuôi heo giống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ quốc tế, tạo việc làm cho hàng chục lao động, đóng góp hàng tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm.
Tổng Giám đốc De Heus tại Việt Nam và khu vực châu Á Johan van den Ban chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao mô hình này vì kết hợp được yếu tố bản địa với công nghệ tiên tiến, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế cho ngành nông nghiệp Việt Nam”.
Những tấm gương như ông Danh Út, ông Danh Kha hay anh Diệp Kỉnh Tân đã và đang truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số, là minh chứng sinh động cho hiệu quả của các chính sách đúng đắn, nhân văn mà Đảng và Nhà nước đã, đang thực hiện.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh: Đồng bào Khmer Nam Bộ đã và đang thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn với các dân tộc anh em, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đồng chí mong muốn, mỗi người tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.