Năm 2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút được 142 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới là 759 triệu USD, chiếm chưa đến 2% trong tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, riêng Long An góp 124 dự án với số vốn đăng ký hơn 564 triệu USD. Con số này thấp hơn nhiều so với mức thu hút vốn FDI của một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu (1,71 tỷ USD), Đồng Nai (gần 1,9 tỷ USD), Bình Dương (gần 1,95 tỷ USD).
Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright chỉ ra rằng, thiếu hụt đầu tư trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua, dù đây luôn là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Kết quả này không khiến nhiều người bất ngờ, bởi từ nhiều năm nay, việc thu hút vốn FDI tại Đồng bằng sông Cửu Long không mấy khả quan. Nhiều thống kê chỉ ra rằng, không chỉ số lượng dự án và số vốn đăng ký mới ngày càng sụt giảm, mà Đồng bằng sông Cửu Long còn chưa thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, sở hữu công nghệ cao, tạo sức bật mới cho vùng.
Cụ thể, trong 10 năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân vào Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 14,9% của cả nước xuống còn 12,4%. Đây là thực trạng đáng buồn bởi miền Tây Nam Bộ từng được biết đến là vùng thu hút FDI sớm nhất cả nước. Từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào năm 1988, toàn vùng đã thu hút tổng vốn FDI 7,8 triệu USD, bằng 10% về số dự án và 2,09% tổng vốn đầu tư của cả nước thời điểm đó.
Thu hút vốn FDI chưa thật sự hiệu quả là điều khá nghịch lý, bởi Đồng bằng sông Cửu Long là vùng giữ vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Về công nghiệp, vùng có lợi thế về phát triển điện gió ngoài khơi và công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản...
Nhiều người nhận định khu vực này hội tụ đủ ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa với đồng bằng rộng lớn, lại được thiên nhiên ưu đãi, nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN. Trong làn sóng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển từ các vùng miền khác và thậm chí các nước lân cận, Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể tận dụng yếu tố “thiên thời” để đón đầu. Tuy nhiên qua thống kê cho thấy những con số chưa tương xứng với các thuận lợi.
Tại nhiều hội thảo, hội nghị liên quan việc thu hút FDI tại Đồng bằng sông Cửu Long, những thách thức được chỉ ra, nhắc lại nhiều lần, trong đó có hạn chế về cơ sở hạ tầng. Mặc dù các địa phương đã có sự quan tâm đầu tư nhưng giao thông liên kết vùng còn chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển. Giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng trong khu vực nhưng chưa được đầu tư tương xứng, dẫn đến chưa phát huy thế mạnh đặc thù của hệ thống sông, kênh đường thủy.
Doanh nghiệp tại khu vực cũng được đánh giá chậm phát triển cả về số lượng và năng lực. Chất lượng lao động vẫn luôn là bài toán nan giải, dù nơi đây tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng. Môi trường kinh doanh chưa đủ thuận lợi, chính sách thu hút đầu tư thiếu hấp dẫn, quy trình hành chính phức tạp... là những nguyên nhân khiến Đồng bằng sông Cửu Long chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các ngành sản xuất tiên tiến, thâm dụng công nghệ cao.
Hiện nay, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, trong đó, xác định cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp linh hoạt, bền vững, phù hợp tiềm năng của vùng; phát triển cơ sở hạ tầng để tăng khả năng kết nối trong vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các vùng khác...
Ngoài ra, cần cải thiện năng suất, chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp; đẩy mạnh phối hợp với các viện, trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Các giải pháp cần thực hiện rốt ráo chứ không dừng lại ở bàn bạc, thảo luận. Có như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể trở thành “đất lành” cho các nhà đầu tư.