Nóng bỏng rừng tràm U Minh Hạ

U Minh Hạ là khu rừng ngập ngọt lớn thứ hai, được xem là “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vậy nhưng, sau gần bốn tháng ròng đương đầu trong nắng gắt, đại ngàn U Minh Hạ đang trở nên oi bức, ngột ngạt đến lạ thường, với 90% diện tích đang ở mức cảnh báo cháy cấp năm.

Vận hành máy móc thường xuyên bảo đảm công tác sẵn sàng trong PCCCR tại Cà Mau.
Vận hành máy móc thường xuyên bảo đảm công tác sẵn sàng trong PCCCR tại Cà Mau.

Nóng bỏng trên toàn lâm phần

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn trong chuyến thị sát tại Cà Mau hồi cuối tháng 2-2020 đã khẳng định: “Không giữ được rừng tràm thì chẳng còn là U Minh Hạ”.

Vào những tháng cao điểm như hiện nay, lực lượng chức năng bố trí dày đặc các trạm, chốt và các tháp canh lửa. Trên các tháp canh lửa, lực lượng làm nhiệm vụ luân phiên túc trực. Ngoài các thiết bị liên lạc chuyên dụng, nhân viên ứng trực trên tháp canh còn được trang bị ống nhòm tầm xa nhằm kịp thời phát hiện những mối nguy có thể phương hại đến những cánh rừng đang bơ phờ, héo úa trong nắng hạn. “Khoảng hai tiếng chúng tôi thay ca một lần. Cực nhất là từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều hằng ngày, thời điểm rất dễ cháy nhưng thợ rừng thỉnh thoảng lẻn vào lấy mật ong. Nếu lơ là và không phát hiện kịp thời, chỉ một tàn lửa nhỏ cũng khiến đám rừng già trở thành ngọn đuốc” - anh Trịnh Việt Tiệp, cán bộ trực trên tháp trung tâm của Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ, nói.

12 giờ trưa, nắng trên đỉnh đầu, hầm hập và không chút gió. Dưới những cây tràm già nua đang “bạc đầu” trong nắng, nền rừng trơ ra, khô khát. Tình trạng tương tự ở phần dưới lớp thực bì sâu tận lớp than bùn. Trong khi đó, đeo bám vào những thân tràm cao vút là nhiều loại dây leo hoang dại đang héo lá, úa vàng. Thực tế trên càng khiến Giám đốc VQG U Minh Hạ Huỳnh Minh Nguyên bồn chồn, lo lắng: “Đến tận lớp than bùn cũng bị khô và không còn độ ẩm. Tình hình này căng lắm, nếu có cháy thì rất khó chữa và dập cháy ngún”.

Nguy cơ thiếu nước chữa cháy

Đến cuối tháng ba, đã có gần 90% trong hơn 43.500 héc-ta lâm phần rừng tràm U Minh Hạ và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau (khoảng hơn 39 nghìn héc-ta) báo cháy cấp năm. Đây cũng là cấp cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng. Diện tích báo cháy cấp năm tập trung nhiều nhất trên lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (hơn 17.430 héc-ta), kế đó là VQG U Minh Hạ (hơn 6.156 héc-ta). Trong khi đó, theo báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, lâm phần rừng ngập ngọt của 20 đơn vị chủ rừng còn lại ở Cà Mau hiện cũng trong tình trạng nguy kịch, bởi toàn bộ đã ở mức báo cháy cấp năm, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đánh giá, so với tuần liền trước đó, diện tích báo cháy cấp năm đã tăng thêm hơn 1.240 héc-ta. “Với cường độ nắng nóng gay gắt như hiện nay, thì dự báo hơn 4.500 héc-ta rừng đang ở mức cấp bốn của tỉnh sẽ chuyển sang mức báo cháy cấp năm trong vòng mười ngày tới” - ông Hải nhận định.

Dự báo tình hình khô hạn sẽ rất khốc liệt nên ngay từ đầu mùa khô 2019-2020, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tiến hành đắp các cống, đập để giữ nước ngọt phục vụ PCCCR. Các đơn vị chủ rừng còn chủ động phát quang hơn 753 ki-lô-mét các tuyến giao thông đường bộ trong lâm phần nhằm tạo đường băng cản lửa, đồng thời khơi thông lòng kênh ở khu vực được giao khoán với tổng chiều dài hơn 277 ki-lô-mét, thuận tiện hơn trong tuần tra, vận chuyển trang thiết bị chuyên dụng.

Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, trong mùa khô này, Cà Mau còn chủ động: sửa chữa và trang bị mới 124 máy bơm nước chữa cháy các loại và hơn 70.000m vòi chữa cháy cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng; bố trí sẵn 78 máy Icom phục vụ công tác thông tin liên lạc trong PCCCR...

Ông Trần Văn Thức cho biết, cơ quan chức năng tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho 29 tổ PCCC và 24 đơn vị chủ rừng, đồng thời ký phối hợp PCCCR với tám xã, thị trấn và 12 đơn vị chủ rừng và gần 4.800 hộ dân các xã có rừng. “Tình hình khô hạn như hiện nay, chúng tôi tiếp tục duy trì 74 tổ máy bơm, hơn 590 nhân lực luân phiên ứng trực trên 107 chòi canh lửa. Trong trường hợp khẩn cấp có thể huy động lực lượng lên đến hơn 2.600 người” - ông Thức chia sẻ.

Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay là hạn hán gay gắt đã làm hầu hết kênh rạch vùng ngọt của tỉnh Cà Mau khô cạn, trong khi nước dưới các kênh, rạch trong rừng đang bốc hơi khá nhanh. “Trong tình huống nếu có cháy lớn xảy ra, nhiều khả năng một số khu vực sẽ thiếu nước chữa cháy cục bộ. Vì thế, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tính toán lại phương án tích nước ngọt để bảo đảm chủ động tốt hơn trong tình huống có cháy lớn xảy ra, tuyệt đối không để thiếu nước chữa cháy và nếu có cháy cũng phải dập kịp thời, không để xảy ra cháy lớn” - ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.

Chiều tà, nắng hạ nhiệt. Lâm phần rừng tràm U Minh Hạ thêm một ngày yên ổn. Trên những tháp canh lửa, lực lượng ứng trực bắt đầu thay ca. Cũng như nhiều địa phương có rừng trong cả nước, lực lượng canh lửa ở Cà Mau hiểu rõ, vào cao điểm mùa khô như hiện nay, chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác, thì cái giá phải trả sẽ là vô cùng lớn.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình: “Dù tình hình khô hạn gay gắt và bất lợi hơn mọi năm, nhưng nhờ thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, nên đến giờ, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo ở Cà Mau vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh đã nhắc nhở các đơn vị chủ rừng không được lơ là, chủ quan. Đặc biệt trong việc ứng trực, tăng cường kiểm soát các đối tượng không phận sự không được ra vào rừng, đồng thời nghiêm cấm mọi hình thức đốt đồng trong mùa khô hạn”.