1 Giới chức Mỹ và Nga đã kết thúc vòng đàm phán diễn ra ngày 24/3 tại Saudi Arabia với đề xuất ngừng bắn hẹp trên Biển Đen giữa Kiev và Moskva, để tạo thuận lợi cho hàng hóa thông thương trở lại. Đây là một phần trong nỗ lực ngoại giao mà cả Washington, Moscow và Kiev đều đang theo đuổi, với hy vọng sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn ba năm qua.
Trước đó, phái đoàn Mỹ và Ukraine đã có cuộc hội đàm kéo dài sáu giờ, để tìm kiếm cơ hội đi tới thỏa thuận có thể chấp nhận được với cả ba bên. Mỹ hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn trên diện rộng trong vòng vài tuần, trước ngày 20/4 tới.
2 Quốc hội Đức “bật đèn xanh” cho cuộc cải cách nợ công lịch sử, sau khi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Đức đã nhất trí thông qua luật sửa đổi Luật Cơ bản (Hiến pháp Đức) theo đề nghị của Quốc hội Liên bang (Hạ viện), nhằm tăng chi tiêu quốc phòng và đầu tư cho phát triển. Với kết quả này, đề xuất của liên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), đảng Dân chủ xã hội (SPD) và đảng Xanh về việc miễn phần lớn các khoản chi tiêu cho quốc phòng và an ninh khỏi biện pháp hạn chế nợ, cũng như thiết lập một quỹ đặc biệt dành cho cơ sở hạ tầng và bảo vệ khí hậu, đã được thông qua cả hai viện Quốc hội Đức.
Theo văn kiện, trong tương lai các khoản chi tiêu cho quốc phòng và một số chính sách an ninh vượt quá 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ không còn được tính vào quy định "phanh nợ" trong Luật cơ bản nữa. Các khoản vay phục vụ một quỹ đặc biệt trị giá 500 tỷ euro cũng không được tính vào quy định "phanh nợ". Ngoài ra, các bang còn được phép vay các khoản nợ mới với giới hạn không vượt quá 0,35% GDP của từng bang. Đây được đánh giá là cuộc cải cách nợ công lịch sử, với kỳ vọng sẽ giúp tái sinh nền kinh tế Đức, vốn đã suy giảm trong hai năm liên tiếp.
3 Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm trao đổi về một thỏa thuận kinh tế mới. Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves xác nhận rằng, các quan chức của nước này và đối tác Mỹ đàm phán về loại thuế dịch vụ kỹ thuật số trị giá một tỷ bảng/năm (1,3 tỷ USD) của Anh ảnh hưởng đến các công ty Mỹ, trong đó có Meta và Amazon. Thuế suất cố định 2% được áp dụng cho các công ty có doanh thu toàn cầu vượt quá 500 triệu bảng/năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đang điều chỉnh nhiều chính sách thuế tiềm ẩn nguy cơ gây bất lợi cho nền kinh tế đang trì trệ của Anh, thuế dịch vụ kỹ thuật số đang được chính phủ Anh sử dụng để thương thảo với Mỹ, nhằm giảm thiểu các mức thuế mà Washington có thể áp dụng đối với London từ đầu tháng 4. Bà Reeves cũng tỏ ra lạc quan khi cho biết thép của Anh có thể được miễn trừ trước mức thuế 25% của Mỹ, đồng thời Washington đang vận động Anh không áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty của Mỹ, và có khả năng London sẽ có sự điều chỉnh nhất định đối với loại thuế này.
![]() |
BioCubaFarma đã đạt những bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư. |
4 Liên minh châu Âu (EU) và Cuba đang thúc đẩy một dự án hợp tác lịch sử trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tập đoàn Công nghiệp Dược phẩm Sinh học Cuba (BioCubaFarma) thông báo: Đại diện của EU và Cuba vừa nhóm họp, phân tích các cơ hội đầu tư để mở rộng danh mục nghiên cứu và sản xuất của ngành công nghệ sinh học. Với hoạt động xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia và mạng lưới liên doanh ở nước ngoài, tập đoàn này không chỉ tạo ra ngoại tệ cho nền kinh tế Cuba mà còn tăng cường hợp tác toàn cầu, đặc biệt là với châu Âu và Trung Quốc. BioCubaFarma đã phát triển các sản phẩm độc đáo hỗ trợ cho quá trình điều trị ung thư, bệnh thoái hóa thần kinh và liệu pháp miễn dịch.
Theo ông Pedro Campos Llopis, người đứng đầu bộ phận hợp tác của Phái đoàn EU tại Cuba, hai bên đã tìm kiếm mô hình kinh doanh mới cho ngành công nghệ sinh học có khả năng tự tài trợ, bất chấp những khó khăn tại đảo quốc Caribe này. EU đã hợp tác với Viện vaccine Finlay để tăng năng lực sản xuất vaccine, bằng cách cấp khoản vay, khoản tài trợ cho ngành này.