Già làng đi tuyên truyền buổi tối
Hình ảnh các trưởng, phó thôn, buôn chạy xe loa di động đi tuyên truyền khắp buôn làng đang quen thuộc với đồng bào DTTS xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Cư Pui là xã vùng sâu, vùng xa và có đông DTTS sinh sống; nhiều thôn, buôn nằm cách trung tâm xã hơn 20 km, giao thông cách trở với nhiều đồi dốc cao, suối sâu. Xã có đông đồng bào các DTTS miền núi phía bắc như Tày, Nùng, Dao, H’Mông… di cư tự do vào làm ăn, sinh sống nhiều năm nay.
Để mọi người nắm được thông tin về cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND vào cuối tháng 5 tới, ban bầu cử xã đã có nhiều cách làm. Thôn Ea Rớt cách trung tâm xã hơn 20 km, hầu hết người dân là đồng bào H’Mông, hiện đang thu hoạch sắn nên ban ngày bà con ra nương rẫy hết, tối mới về. Cứ chập choạng tối là già làng Lò Khái Phụ chạy xe máy chở loa di động phát nội dung tuyên truyền về bầu cử đi khắp các khu vực trong thôn. Trời tối hẳn, ông lại lội bộ đến từng nhà để tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm của công dân, cách thức bầu cử và thời gian đi bầu cử. Các nội dung đều được ông Phụ lược dịch sang tiếng H’Mông.
Ông Phụ cho biết: “Công tác tuyên truyền tuy vất vả, chủ yếu là đi vào ban đêm nhưng gia đình nào cũng vui vẻ, phấn khởi và hứa sẽ đi bầu cử đông đủ là mình vui rồi”. Ông Lò Páo Tráng ở thôn Ea Rớt sau khi được tuyên truyền, chia sẻ: “Sáng sớm gia đình tôi đã ra rẫy đến tối mịt. Hôm nay, vừa về nhà đang ăn cơm tối thì được già làng Lò Khái Phụ đến tuyên truyền về bầu cử, tôi mừng lắm và đã nhớ ngày bầu cử là 23-5 tới. Nhờ có già làng tuyên truyền, vận động tôi mới biết. Tôi hứa đến ngày đó sẽ đi bầu cử đúng giờ”.
Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết, xã có 10 đơn vị bầu cử với số lượng cần bầu là 30 đại biểu HĐND xã. Qua ba lần hiệp thương đã chốt được danh sách 65 ứng cử viên và cũng đã tổ chức xong việc lấy ý kiến nhận xét nơi cư trú đối với các ứng cử viên. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành việc lập danh sách cử tri với khoảng 7.200 cử tri sẽ tham gia bầu cử tại 13 tổ bầu cử. Xã đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, phù hợp thực tế địa phương như tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, buôn, khu, điểm dân cư. Vào những giờ người dân đi làm về, cán bộ xã, thôn, buôn còn tổ chức các xe loa di động đến từng khu dân cư để tuyên truyền, đồng thời vận động các già làng, trưởng thôn, buôn, người uy tín, các chức sắc tôn giáo tham gia tuyên truyền nên mang lại hiệu quả rất cao.

Nhớ ngày 23-5 đi bầu cử!
Chúng tôi đến xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Nguyễn Tất Thắng cho biết: Ngay từ đầu năm, công tác chuẩn bị được xã triển khai. Địa bàn rộng, dân cư phân tán nên đã hơn hai tháng nay, tiểu ban tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh xã thường xuyên phát sóng các thông tin, tài liệu về bầu cử. Gần đến ngày bầu cử, tiểu ban tuyên truyền xã sẽ sử dụng xe lưu động, bố trí xe mô-tô với sự tham gia của khoảng 150 đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể tham gia tuyên truyền cổ động về bầu cử tại các thôn, buôn.
Đến nay, hầu hết người dân trên địa bàn đều biết về ngày bầu cử và cách thức bầu cử. Ông Y Hoắt Niê ở buôn K62 bộc bạch: “Qua các buổi họp buôn và theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng như các thành viên trong gia đình đều biết ngày bầu cử vào ngày 23-5 tới. Đến ngày đó, tôi sẽ đi bầu cử và vận động các thành viên trong gia đình cũng như bà con buôn làng đi bầu cử đông đủ để lựa chọn được những người có đức, có tài, có tinh thần trách nhiệm, quan tâm đến đời sống nhân dân để bầu làm ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp”.
Ở xã vùng sâu Pơng Drang, huyện Krông Búk, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Trọng Sang cho biết: Từ đầu năm đến nay, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ truyền thanh của xã thường xuyên phát các bản tin liên quan đến công tác bầu cử qua hệ thống loa phát thanh của xã. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ xã và các ngành, đoàn thể cũng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại thôn, buôn và đến từng hộ dân khi cần thiết. Nội dung tuyên truyền tập trung giới thiệu những điểm mới trong công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH, HĐND; quyền bầu cử và ứng cử của công dân; nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử... Nhờ đó, nhiều người dân đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc bầu cử cũng như quyền lợi, trách nhiệm của bản thân để lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực của Nhà nước, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh.
Hầu hết các xã, phường, thị trấn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk đều coi trọng công tác tuyên truyền để đưa Luật Bầu cử đến với nhân dân. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê cho biết: Trong cuộc bầu cử lần này, tỉnh Đắk Lắk có 20 đơn vị bầu cử phân bổ theo các huyện, thị xã và thành phố. Bên cạnh tiếng phổ thông, các địa phương còn dịch ra tiếng Ê Đê, M’Nông, H’Mông... giúp bà con dễ nghe, dễ hiểu để nắm bắt đầy đủ Luật Bầu cử, lý lịch trích ngang của các ứng cử viên và quyền lợi, trách nhiệm của công dân, cách thức bầu cử, ngày bầu cử…