Đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định cho biết: Tỉnh Nam Định có hệ thống tài nguyên du lịch khá phong phú, đa dạng; trong đó tài nguyên du lịch tự nhiên có thể kể đến là các bãi biển đẹp, cồn nổi phù hợp cho phát triển du lịch biển; Vườn Quốc gia Xuân Thủy-khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và Việt Nam được công nhận, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch gắn với khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, trải nghiệm sông nước vùng ngập mặn, du lịch gắn với giáo dục môi trường.
Bên cạnh đó, với nông thôn mang đặc trưng của vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới nổi bật của tỉnh, Nam Định có thế mạnh phát triển các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng.
Nguồn tài nguyên du lịch văn hóa của Nam Định cũng rất lớn, với 1.330 di tích đã được xếp hạng, kiểm kê; trong đó, có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt) và 9 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của ẩm thực Nam Định cũng là yếu tố hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu vùng đất này.
Trên cơ sở đó, những năm qua, tỉnh đã tập trung phát triển 5 loại hình du lịch: Du lịch sinh thái thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề.
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Nam Định đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy du lịch tỉnh phát triển.
Đáng chú ý là đã triển khai ứng dụng “Du lịch 360 Nam Định”, xây dựng Cổng thông tin Khám phá Du lịch Nam Định (thientruong.nam dinh.gov.vn), góp phần phần hình thành sản phẩm du lịch mới dựa trên công nghệ số, dữ liệu số, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, du khách tiếp cận nhanh, sinh động, chính xác, đầy đủ thông tin về mảnh đất, con người, văn hóa, du lịch tỉnh Nam Định; thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho phát triển du lịch của tỉnh, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, góp phần từng bước cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về phát triển du lịch.
Để xúc tiến quảng bá du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Nam Định đã xuất bản ấn phẩm cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch Nam Định, video quảng bá xúc tiến du lịch, tờ rơi, tập gấp giới thiệu các khu, điểm du lịch Nam Định; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, đài truyền hình địa phương thực hiện các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch giới thiệu vẻ đẹp về văn hoá, mảnh đất, con người Nam Định; góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Nam Định năng động, giàu bản sắc, thân thiện, mến khách, với nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội, đẩy mạnh phát triển du lịch.
Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng được đẩy mạnh như: Tham gia gian hàng xúc tiến du lịch tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam; Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31; Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội; các hoạt động xúc tiến du lịch tại các sự kiện trong tỉnh như Ngày của Phở, Festival Phở, Chợ Tết Một thoáng Thành Nam, Lễ khai ấn Đền Trần... nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu điểm đến du lịch, những giá trị di sản văn hóa, sản phẩm làng nghề truyền thống, trưng bày, giới thiệu một số đặc sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP đặc sắc của Nam Định đến với du khách; trưng bày các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp của du lịch Nam Định; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn quảng bá sản phẩm; cung cấp thông tin về thị trường du lịch cho các doanh nghiệp đầu tư.
Trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tỉnh Nam Định chú trọng đến việc phát huy thế mạnh của sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan các di tích lịch sử văn hoá, tham dự các lễ hội; xây dựng các điểm du lịch làng nghề kết hợp giữa việc tham quan trải nghiệm làng nghề và mua sắm tiêu thụ sản phẩm làng nghề tạo nên các điểm vệ tinh tham quan du lịch cho khu vực thành phố Nam Định và các khu du lịch tập trung khác trên địa bàn tỉnh.
Nhờ phát huy những lợi thế và tiềm năng hiện có, du lịch tỉnh Nam Định thời gian qua đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ. Từ năm 2022-2024, lượng khách và doanh thu du lịch có xu hướng phục hồi và phát triển; năm 2024, khách du lịch đạt 1.865.000 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 560 tỷ đồng.

Thách thức với “du lịch xanh”
Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc bộ, Nam Định cần khắc phục những hạn chế về sản phẩm du lịch như: sản phẩm du lịch hiện chủ yếu dựa vào thế mạnh du lịch văn hóa-tâm linh, gắn với một số lễ hội; sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính kết nối; sản phẩm du lịch biển chưa “đủ sức” cạnh tranh với các địa phương ven biển trong vùng.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định Đỗ Quang Trung, tỉnh Nam Định quyết tâm thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò là ngành kinh tế quan trọng trong tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh; tạo ra tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác, thực sự mang lại lợi ích tích cực cho cộng đồng.
Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế; phát triển các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu phục vụ du lịch (lữ hành, vận tải, lưu trú, ẩm thực, giải trí,…), phát triển kinh tế ban đêm và xúc tiến quảng bá hình ảnh bản sắc văn hóa và con người Nam Định; phấn đấu đến năm 2030, đón và phục vụ 3,75 triệu lượt khách đến Nam Định (tăng 12,3%/năm); tổng doanh thu du lịch ước đạt 900 tỷ đồng.