Chế biến, xuất khẩu lâm sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu và phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, những thách thức mới về thuế quan, nguồn nguyên liệu hợp pháp, sức mua giảm... từ các thị trường xuất khẩu chính, đang đặt ra những bài toán khó, buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững.
Đến nay, cả nước có hơn 5.000 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 95%; khoảng 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu là khoảng 2.000 doanh nghiệp (trong nước chiếm 65%, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư hoặc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài)...
Áp lực từ thị trường
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay, về thị trường, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn giữ mức tăng trưởng đồng đều ở các thị trường lớn, trong đó, riêng xuất khẩu vào Mỹ vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu dăm gỗ, viên nén sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn đang duy trì mức tăng trưởng tốt. Thị trường EU với sản phẩm chủ yếu là đồ nội, ngoại thất cũng tăng nhẹ.
Có hai vấn đề lớn đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản. Đó là, thị trường Mỹ, nơi đóng góp hơn 56% tổng doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp đang bị đe dọa bởi tác động của sắc lệnh áp thuế đối ứng 46%. Nếu áp toàn bộ mức thuế này, chi phí sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,14 tỷ USD mỗi năm, làm giảm khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Thêm vào đó, từ đầu tháng 3/2025, Tổng thống Donald Trump đã ra sắc lệnh điều tra theo Mục 232 của Đạo luật thương mại mở rộng (1962) của Mỹ để có thể áp đặt thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu khi một mặt hàng nhập khẩu có thể đe dọa an ninh quốc gia. Gỗ và các sản phẩm phái sinh từ rừng thuộc đối tượng điều tra 232. Nhiều loại ván gỗ và lâm sản của các doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào Mỹ đang bị điều tra và có nguy cơ bị áp thuế.
Với thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp đáng kể trong phân khúc đồ nội-ngoại thất và viên nén gỗ với bình quân đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Vừa qua, EU đã ban hành Nghị định EURD về cấm các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này những sản phẩm nông nghiệp như cà-phê, cao-su, đậu nành, gỗ, dầu cọ… có liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu. Nghị định có hiệu lực thực hiện từ tháng 1/2026. Mặc dù gặp khó khăn, song để chuẩn bị tốt cho việc cam kết mạnh mẽ về xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng và đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp đã chuẩn bị và thích ứng với các yêu cầu của quy định này.
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lâm sản chính khác của Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang gây ra những thách thức trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Đó là việc đặt ra các yêu cầu về nguồn gốc gỗ và bảo vệ môi trường, việc tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, năm 2025 và thời gian tiếp theo, tình hình kinh tế thế giới biến động, các cuộc xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, giá gỗ nguyên liệu, và các quy định thương mại, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, các áp lực lớn từ thị trường xuất khẩu cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại mô hình tăng trưởng của mình, để tăng khả năng thích ứng, ứng phó với biến động thị trường bên ngoài. Không thể tăng trưởng dựa vào những lợi thế so sánh như nguyên liệu giá rẻ, chi phí nhân công lao động giá thấp; phải chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cần mở rộng và tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường. Nhiều thị trường tiềm năng như Trung Quốc (sản phẩm mây tre đan, đồ lâm sản thủ công mỹ nghệ); Nhật Bản (sản phẩm nội thất gỗ); các thị trường khác như; Anh, Nga, Trung Đông, Nam Mỹ hay ASEAN cũng chưa được tận dụng hiệu quả. Đây là phân khúc mới, tạo cơ hội lớn để các doanh nghiệp vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh để xuất khẩu bền vững.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Việt Nam xuất khẩu từ gỗ và lâm sản tăng đều hằng năm, từ 6,9 tỷ USD năm 2015 đã tăng mạnh lên 16 tỷ USD năm 2024 và hết năm nay dự kiến xuất khẩu đạt hơn 18 tỷ USD. Do đó, xây dựng và phát triển được vùng nguyên liệu ổn định là đòi hỏi quan trọng để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu lâm sản trong nước mới đáp ứng khoảng hơn 70% nhu cầu phục vụ sản xuất, chế biến cho các doanh nghiệp. Riêng về gỗ, bình quân mỗi năm Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu mét khối gỗ nguyên liệu. Theo tổ chức Forest Trend, Việt Nam đã trở thành quốc gia quan trọng trên bản đồ cung cấp các sản phẩm đồ gỗ cho thế giới. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị đề nghị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với người trồng rừng và các chủ rừng để phát triển rừng gỗ lớn và các vùng nguyên liệu lâm sản có năng suất, chất lượng cao. Việc này không chỉ người trồng rừng được hưởng lợi mà các doanh nghiệp cũng có thể chủ động được nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ, có nguồn gốc đáp ứng đòi hỏi của các thị trường xuất khẩu.

Nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng xuất khẩu sản phẩm OCOP
Cùng với việc giải quyết hiệu quả nguồn nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khoa học, công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm kết cấu, mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là đối với mặt hàng cao cấp về chất lượng và mỹ thuật, sản phẩm phối kết với kim loại, đá...
Hiện nay, cả nước có khoảng 500.000 lao động trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm 55-60%, lực lượng lao động này đã làm chủ trong vận hành, sử dụng thiết bị, công nghệ mới, thay thế công việc do chuyên gia nước ngoài thực hiện trước đây. Giải quyết tốt bài toán đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi phương pháp sản xuất từ thủ công sang hiện đại, từ ảnh hưởng môi trường đến sản xuất xanh, từ tự phát, độc lập sang liên kết theo chuỗi giá trị... đã mang lại giá trị lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâm sản.
Thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới có tiềm năng lớn với khoảng 430 tỷ USD giá trị thương mại đồ nội thất và khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại đồ ngoại thất. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Các doanh nghiệp cần duy trì tăng trưởng ổn định tại các thị trường hiện có, tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, tiếp tục triển khai đàm phán và thực hiện chương trình hợp tác lâm nghiệp với một số quốc gia trọng điểm, trong đó chú trọng việc hợp tác, hỗ trợ về công nghiệp chế biến lâm sản, nhất là các quốc gia có giá trị thương mại cao.
Các cơ quan liên quan cần tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội và các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam về thông tin thị trường, các quy định pháp lý, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về quản lý chuỗi, quản trị chất lượng trong khâu cung ứng và truy xuất nguồn gốc gỗ, phân loại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn xúc tiến thương mại để nghiên cứu, đánh giá xu hướng, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn; truyền thông, quảng bá cho ngành lâm sản tạo chuỗi liên kết bền vững.