Truyền thống nhân ái, yêu thương con người
Tuệ Tĩnh - ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam đã truyền dạy tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” với tinh thần yêu nước sâu sắc. Ông luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, dâng hiến tri thức và tài năng của mình để cứu chữa dân nghèo, không màng danh lợi. Đối với Tuệ Tĩnh, y đức không chỉ là chữa bệnh mà còn là cách sống thanh cao, liêm khiết, không lợi dụng bệnh nhân để trục lợi.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam. Trong tác phẩm “Y âm án”, ông từng nói: “Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng, thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người: Sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”.
Trong bài “Y huấn cách ngôn”, Hải Thượng Lãn Ông để lại 9 điều răn dạy học trò cũng như tâm niệm cho bản thân mình, như: Khi đi thăm bệnh, cần kíp thì đến trước, chớ nên phân biệt giàu sang, nghèo hèn; chữa bệnh cho người khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp… nghề y là thanh cao, càng phải giữ khí tiết cho trong sạch… Ông yêu cầu người thầy thuốc cần có 8 đức tính, được gói gọn trong 8 chữ: “Nhân” (nhân từ), “Minh” (sáng suốt), “Đức” (đức độ), Trí (trí tuệ), “Lượng” (sự bao dung), “Thành” (thành thật), “Khiêm” (khiêm tốn), “Cần” (siêng năng). Bên cạnh đó là 8 tội cần phải tránh: Lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, bất nhân, hẹp hòi, thất đức và dốt nát.
Đầu thế kỷ XX, sự phát triển của kinh tế hàng hóa và lối sống thực dụng càng tác động sâu sắc, làm xói mòn các giá trị y đức trong xã hội. Bấy giờ, y đức trở thành một chủ đề nóng bỏng trên báo chí đương thời. Trên báo Đông Pháp khi ấy có bài viết: “Các thày lang ta không có lương tâm nhà nghề”, trong đó có đoạn nhấn mạnh đến sứ mệnh của nghề thầy thuốc: “Cái nghề thầy thuốc là một nghề quý trọng, cổ nhân đã từng khuyên người ta làm nghề cứu người, chứ không nên làm nghề chôn người, nay có nhiều người làm nghề cứu người mà lại giết người thì cái nghề quý trọng kia tuy vẫn là nghề quý trọng nhưng người làm nghề quý trọng ấy thật là hạng người rất xấu xa” (báo Đông Pháp, ngày 8/4/1931).
Năm 1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nền y tế mới với trọng tâm là y đức của người thầy thuốc. Người hiểu rằng, trong bối cảnh đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều hậu quả chiến tranh, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ cấp thiết. Trong thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3/1948 đăng trên báo Cứu quốc, Người viết: “Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền” (báo Cứu quốc, ngày 23/4/1948). Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều bác sĩ tài năng như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng… đã hết lòng cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình cho sự nghiệp y tế, trở thành những tấm gương sáng về y đức và lòng yêu nước.
Từ truyền thống y đức cao đẹp của dân tộc, từ tư tưởng nhân văn sâu sắc của các bậc danh nhân vừa kể trên, y đức đã trở nên giá trị văn hóa cao quý trong đời sống xã hội Việt Nam. Y đức kết tinh trong lời nói, cử chỉ, trong sự tận tụy, hy sinh và tinh thần trách nhiệm cao cả của đội ngũ y, bác sĩ. Đó là nền tảng tạo nên niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế, là cầu nối vững chắc giữa thầy thuốc và bệnh nhân, giữa con người với con người.
Sức mạnh văn hóa vượt khó khăn, thử thách
Trong thời đại hiện đại hóa và công nghiệp hóa, cùng với sự phát triển vượt bậc của y học và công nghệ, văn hóa y đức đang phải đối mặt nhiều thách thức. Mặt trái của kinh tế thị trường, áp lực tài chính, cùng với sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức ngành y.
Đã có nhiều hiện tượng tiêu cực như tình trạng thương mại hóa y tế, lạm dụng hoạt động khám, chữa bệnh để trục lợi. Tuy vậy, giữa những khó khăn, thách thức, vẫn sáng lên những tấm gương y, bác sĩ tận tâm, hết lòng vì người bệnh. Những câu chuyện về bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa, chấp nhận thiếu thốn, hy sinh hạnh phúc cá nhân để chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã khiến cộng đồng cảm động và tin tưởng vào y đức cao đẹp vẫn còn tồn tại.
Hiện nay, việc khơi dậy sức mạnh văn hóa y đức là nhiệm vụ cần thiết để giữ vững niềm tin của người dân và phát triển một nền y tế nhân văn, công bằng, tiến bộ. Cần nâng cao giáo dục văn hóa y đức trong các cơ sở đào tạo y tế. Đó không thể chỉ là lý thuyết khô khan mà phải trở thành nội dung giáo dục xuyên suốt, gắn liền với các bài học và giờ thực hành, các buổi thực tập và hội thảo về y đức, văn hóa ngành y…
Xây dựng môi trường làm việc văn minh, nhân văn và công bằng cũng sẽ giúp các y, bác sĩ yên tâm cống hiến. Song song với đó là thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp và tăng cường công tác giám sát một cách nghiêm túc, minh bạch và công bằng. Đặc biệt, càng phải tôn vinh và nhân rộng những tấm gương sáng về y đức để lan tỏa tinh thần tích cực trong ngành y tế, trong xã hội. Khơi dậy sức mạnh văn hóa y đức trong thời đại mới cũng cần sự kết hợp hài hòa giữa y đức truyền thống và giá trị hiện đại. Cần kế thừa tinh hoa y đức từ y học cổ truyền Việt Nam như tinh thần “lương y như từ mẫu”, đồng thời áp dụng các chuẩn mực y đức quốc tế trong quản lý và hành nghề y tế.
Khơi dậy sức mạnh văn hóa y đức trong thời đại mới, giúp ngành y vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để tiếp tục sứ mệnh cao cả - sứ mệnh của những “từ mẫu” thời đại mới hôm nay.
Nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu từng đề cao trách nhiệm của người thầy thuốc đối với tính mạng bệnh nhân: “Thấy người đau giống mình đau/Phương nào cứu đặng mau mau trị lành”. Ông còn phê phán thói nhũng nhiễu của một số thầy thuốc cùng thời trong sáng tác: “Vốn không theo thói tham nhăng/Nhân khi bệnh ngặt đòi ăn của nhiều” (Ngư tiều y thuật vấn đáp).