Làm rõ trách nhiệm kiểm tra của cấp tỉnh, bảo đảm tính minh bạch, thống nhất

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, thảo luận tại hội trường sáng 21/5, nhiều đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về một nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì, điều hành phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì, điều hành phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tăng tính chủ động cho cấp xã

Việc sửa đổi quy định về thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu là một trong những điểm mới quan trọng của dự thảo Luật. Các ý kiến tập trung vào quy định mới về việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định, thay cho quy định trước đây thuộc thẩm quyền của cấp huyện, điều này phù hợp mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) khẳng định, quy định mới tăng tính chủ động cho cấp cơ sở trong công tác tổ chức bầu cử. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật chưa quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, giám sát của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với việc xác định khu vực bỏ phiếu này; đề nghị sửa đổi khoản liên quan theo hướng bổ sung rõ trách nhiệm kiểm tra của cấp tỉnh, bảo đảm tính minh bạch, thống nhất và đúng pháp luật.

Đồng tình quan điểm phân quyền cho cấp xã, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, khái niệm “trường hợp cần thiết” để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh khu vực bỏ phiếu là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện. Đại biểu đề xuất, cần quy định rõ trong luật các trường hợp như biến động dân cư lớn, điều kiện địa lý chia cắt, yêu cầu về an ninh trật tự đặc thù... mới được điều chỉnh. Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định Uỷ ban nhân dân cấp xã phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về phương án phân chia khu vực bỏ phiếu để tăng tính liên thông và trách nhiệm giám sát của cấp trên.

Từ thực tiễn vùng miền núi, nơi có địa bàn rộng, dân cư thưa và khó khăn trong tiếp cận hành chính, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) cho rằng: Quy định mới phù hợp chủ trương phân quyền và thực tế năng lực tổ chức của cấp xã hiện nay. Theo đại biểu, thay vì phê duyệt cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên tập trung ban hành hướng dẫn chung, kiểm tra, giám sát; vì với quy mô cấp xã lớn sau sáp nhập, nếu tỉnh trực tiếp điều chỉnh thì sẽ khó sâu sát và chậm trễ trong triển khai.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ: Việc sửa đổi quy định về thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu là một trong những điểm mới quan trọng của dự thảo Luật. Đa số các đại biểu cơ bản tán thành các quy định liên quan việc không tổ chức cấp huyện, phân cấp cho cấp tỉnh, cấp xã. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là Hiến pháp và các luật có liên quan tổ chức bộ máy mà Quốc hội đang sửa.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết đa số đại biểu thống nhất bổ sung vào Điều 36 quy định mang tính nguyên tắc về chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khi đã hết hạn nộp hồ sơ đối với người ứng cử chuyển công tác từ đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác theo chủ trương của cấp có thẩm quyền và giao cho Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn chi tiết.

Không hành chính hóa khái niệm "trực thuộc"

Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến là quy định về tính chất “trực thuộc” của các tổ chức thành viên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây không chỉ là một thuật ngữ kỹ thuật đơn thuần mà là vấn đề có tác động sâu sắc đến nhận thức chính trị, cơ chế vận hành, cũng như hiệu quả phối hợp trong hệ thống chính trị nước ta. Những ý kiến thảo luận thẳng thắn, sâu sắc của các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, hướng tới việc xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp đặc điểm của từng tổ chức thành viên.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, việc xác định các tổ chức như Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu hiểu theo nghĩa hành chính-tổ chức, khái niệm này có thể gây hiểu nhầm rằng các tổ chức thành viên bị chi phối, bị “lệ thuộc” về tổ chức và hoạt động. Đại biểu đề nghị làm rõ rằng “trực thuộc” ở đây phải được hiểu theo nghĩa chính trị-hiệp thương-phối hợp, thể hiện vai trò liên minh, thống nhất hành động vì mục tiêu chung, chứ không mang tính chất mệnh lệnh hành chính. Đây cũng là quan điểm được nhiều đại biểu đồng thuận, bởi nó vừa bảo đảm tính gắn kết trong hệ thống chính trị, vừa giữ được tính độc lập, chủ động và bản sắc riêng của từng tổ chức thành viên.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) tiếp tục làm rõ nội hàm của khái niệm “trực thuộc” khi nhấn mạnh rằng: Mặt trận không phải là cấp trên hành chính của các tổ chức thành viên. Vai trò của Mặt trận là điều phối, hiệp thương, thống nhất hành động - điều đã được xác định rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện hành.

Dưới góc độ pháp lý, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ băn khoăn về khả năng phát sinh mâu thuẫn giữa Luật Mặt trận và các luật chuyên ngành khác nếu không làm rõ tính chất “trực thuộc”. Đại biểu nhấn mạnh lưu ý đến việc mỗi tổ chức thành viên đều có điều lệ riêng, được pháp luật thừa nhận và có giá trị pháp lý độc lập; đề xuất bổ sung vào dự thảo luật điều khoản khẳng định rằng việc các tổ chức chính trị-xã hội là thành viên “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc không làm thay đổi tính chất pháp lý độc lập của họ, đồng thời yêu cầu xác định rõ phạm vi điều phối để tránh chồng chéo và bảo đảm hiệu lực thi hành thống nhất giữa các luật liên quan.

Chiều qua, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ đối với: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Quốc hội hôm qua biểu quyết tán thành (với tổng số 449 đại biểu có mặt, bằng 93,93%) thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là vào Chủ nhật ngày 15/3/2026.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử. Kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2026-2031 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày bầu cử.