Đoàn kết, một lòng theo Đảng làm cách mạng là giá trị truyền thống quý báu của đồng bào vùng cao Bắc Kạn. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết-thành công, thành công, đại thành công”, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội để thực hiện nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.
Một trong những nội dung được người dân đặc biệt quan tâm gần đây là việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh, chủ trương lớn của Đảng đang được triển khai đồng bộ trong cả nước. Càng thu hút sự chú ý hơn khi Trung ương Đảng thông qua chủ trương hợp nhất Bắc Kạn và Thái Nguyên, hai tỉnh từng là một trước khi chia tách vào năm 1997.
Từ sau khi tách tỉnh, dù xuất phát điểm còn khó khăn nhưng Bắc Kạn đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, thông tin hợp nhất, trong đó tỉnh lỵ đặt tại thành phố Thái Nguyên khiến không ít người dân lo lắng: Liệu Bắc Kạn có lại trở thành vùng xa trung tâm? Việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn, qua nắm tình hình dư luận cho thấy nhiều ý kiến băn khoăn không chỉ đến từ nhân dân mà còn cả đội ngũ cán bộ, công chức. Trước tình hình đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã kịp thời triển khai các hoạt động tuyên truyền, giải thích. Nhờ làm tốt công tác thông tin và lắng nghe, khi lấy ý kiến cử tri toàn tỉnh về đề án hợp nhất hai tỉnh, tỷ lệ đồng thuận đạt 99,07%; trong đó có 53 đơn vị ghi nhận 100% số cử tri đồng ý.
Để tạo đồng thuận thực chất, tỉnh Bắc Kạn đã đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, tận dụng mạnh mẽ không gian mạng xã hội như một kênh “hai chiều” kết nối nhân dân với chính quyền. Trang thông tin điện tử và nhóm Facebook “Mặt trận Bắc Kạn” với hơn 6.300 lượt theo dõi là một thí dụ. Mặt trận Tổ quốc các cấp còn chủ động lập nhóm Facebook, fanpage, nhóm Zalo cán bộ nhằm phát huy hiệu quả mạng lưới từ tỉnh đến xã. Đây chính là kênh tiếp nhận phản hồi đồng thời định hướng dư luận nhanh chóng, linh hoạt, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, thông qua việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư của nhân dân, Mặt trận các cấp đã góp phần tạo đồng thuận trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đóng góp tích cực vào quá trình phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Sự đồng thuận không chỉ thể hiện trong chủ trương lớn như sáp nhập hành chính mà còn rất rõ nét trong quá trình triển khai các dự án phát triển hạ tầng, điển hình là dự án đường cao tốc Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn. Tuyến đường có chiều dài 38km nhưng có đến 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng và nhiều công trình dân sinh, hạ tầng phải di dời.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới Trần Mạnh Cường, dù ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc nhưng người dân vẫn có tâm lý lo lắng, chần chừ là điều dễ hiểu bởi việc di dời liên quan đến đất đai, nhà cửa, sinh kế. Ban đầu tiến độ giải phóng mặt bằng diễn ra rất chậm do vướng mắc về thủ tục, định giá tài sản, chính sách hỗ trợ tái định cư. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống cơ sở để nắm bắt, đối thoại và tháo gỡ khó khăn. Sự chân thành, kiên trì vận động cộng với những chính sách linh hoạt, sát thực tế đã giúp người dân an tâm và đồng thuận cao hơn.
Tỉnh Bắc Kạn đã kịp thời ban hành nhiều quyết định quan trọng như Quyết định số 19/2024/QĐ-UBND quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Quyết định số 41/2024/QĐ-UBND cho phép bồi thường 80% giá trị tài sản hiện có, kể cả khi không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, giá trị bồi thường cây trồng, vật nuôi thủy sản được áp dụng theo Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND giúp rút ngắn thời gian thẩm định và chi trả.
Ở khu vực nông thôn, vấn đề sinh kế sau khi di dời là mối quan tâm lớn. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Minh, nhiều hộ dân không muốn rời xa đất canh tác. Do đó, tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt cho phép người dân được nhận tiền, tự mua đất và xây nhà nếu có nguyện vọng tái định cư tại chỗ, thay vì áp dụng cứng nhắc các khu tái định cư tập trung vốn thường xa khu dân cư và khó thu hút người về ở. Nhờ đó, tiến độ giải phóng mặt bằng đã có bước chuyển tích cực, bảo đảm đủ điều kiện thi công dự án đúng kế hoạch.
Tạo sự đồng thuận trong nhân dân là nhiệm vụ xuyên suốt, mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững của Bắc Kạn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhấn mạnh: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững”. Đồng thuận không chỉ là kết quả của công tác dân vận, mà còn là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa thành công các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Một trong những giải pháp thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân được Bắc Kạn chú trọng là phát huy vai trò phản biện xã hội. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 tới nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phản biện xã hội nhiều dự thảo văn bản, ý kiến xác đáng được ghi nhận, chỉnh sửa lại dự thảo đã nâng cao chất lượng văn bản khi ban hành được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, Mặt trận các cấp luôn gắn mục tiêu tập hợp, đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân vào mọi kế hoạch, chương trình phối hợp hành động, hưởng ứng phong trào thi đua, các cuộc vận động. Từ đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong triển khai nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với những cách làm phù hợp, hiệu quả, khối đại đoàn kết toàn dân tại Bắc Kạn ngày càng được củng cố. Vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy mạnh mẽ thông qua đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người dân. Nhận thức của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc không ngừng nâng cao, tạo nền tảng vững chắc để Bắc Kạn tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.