Đã năm ngày trôi qua, sau sự cố Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phát hiện những ca nhiễm đầu tiên ngay trong các phòng, ban của bệnh viện. Đến ngày 15-6, 60 ca nhiễm là các nhân viên ở những phòng hậu cần đã được xác định. Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: Sự tiến công của Covid-19 vào bệnh viện là điều "không thể ngờ". Vi-rút không tiến công từ các khoa điều trị như trường hợp của những bệnh viện lớn tại các tỉnh phía bắc mà xâm nhập vào văn phòng, bộ phận hậu cần của bệnh viện. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được giao trách nhiệm là nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố. Chính vì thế, bệnh viện đã tập trung xây dựng hệ thống "phòng thủ", không để xảy ra trường hợp lây nhiễm giữa bệnh nhân Covid-19 và đội ngũ y, bác sĩ trong khối điều trị. Bệnh viện triển khai nhiều giải pháp như khai báo y tế sàng lọc, cách ly các trường hợp nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ. Nhân viên được trang bị các phương tiện phòng hộ, quy trình chống lây nhiễm được thiết lập nghiêm ngặt. Bệnh viện cũng thường xuyên xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên y tế. Ngoài khối điều trị, nhân viên khối văn phòng, hành chính cũng được tiêm đầy đủ vắc-xin, khai báo y tế, mang khẩu trang khi làm việc. Tuy nhiên, trong khi nhân viên y tế đã tập được thói quen mang khẩu trang, phương tiện phòng hộ mỗi khi tiếp xúc bệnh nhân, thì nhân viên văn phòng, chưa có được thói quen này. Đây chính là kẽ hở để cho mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập, từ đó lây lan đến các nhân viên khác trong bệnh viện. Theo TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, chính điều kiện làm việc trong các văn phòng kín, máy lạnh, chật hẹp, cộng với đặc thù công việc phải phối hợp, giao lưu giữa các phòng và đến tận các khoa chuyên môn lâm sàng, cận lâm sàng, dẫn đến 55 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 cùng một lượt. Bên cạnh đó, thói quen ngồi ăn uống chung với nhau, nghỉ ngơi trong phòng tập thể cũng là điều kiện tốt để bệnh lây lan nhanh.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để xảy ra lây nhiễm trong khuôn viên bệnh viện là một bài học lớn cho ngành y tế thành phố, và Sở Y tế đã rút kinh nghiệm sâu sắc. Sở Y tế thành phố đã có những chỉ đạo kịp thời để không lặp lại sự cố như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ ngoài vào bệnh viện, Sở Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện khẩn trương quán triệt đến tất cả các viên chức, người lao động trong bệnh viện phải nâng cao trách nhiệm và tinh thần tự giác phòng, chống dịch bệnh. Mỗi viên chức, người lao động trong bệnh viện tuyệt đối tuân thủ biện pháp 5K theo đúng quy định của Bộ Y tế, lưu ý bảo đảm tất cả nhân viên trong bệnh viện phải mang khẩu trang trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện. "Sau giờ làm việc ở bệnh viện, nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người chung quanh. Nhân viên y tế, người lao động cũng không nên tụ tập bạn bè hoặc người thân, để sinh hoạt, ăn uống; không đi đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết" - Ông Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cũng khuyến cáo, để giảm nguy cơ lây nhiễm tại các tòa nhà, các công ty, văn phòng cần tăng cường lưu thông không khí ngoài trời càng nhiều càng tốt bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào và sử dụng quạt tại phòng làm việc, phòng họp; không tập trung quá 10 người trong một phòng làm việc và luôn mang khẩu trang trong quá trình làm việc, hội họp. Theo Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng, các công ty, văn phòng cần tăng cường vệ sinh khử khuẩn bề mặt tiếp xúc, thực hiện khai báo y tế theo quy định, lập sẵn danh sách tất cả nhân viên, người lao động để thuận lợi trong truy vết phòng, chống dịch, và nhất là đẩy mạnh họp trực tuyến, hạn chế các cuộc họp không cần thiết.
Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thêm hai tuần nữa. Đây là quyết định đúng đắn khi thành phố vẫn còn những chuỗi lây nhiễm chưa xác định nguồn gốc. Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho biết: Thành phố tiếp tục giãn cách xã hội trong thời điểm này là rất cần thiết vì sẽ làm chậm sự lây lan cùng những mầm bệnh còn đang âm thầm len lỏi trong cộng đồng. Mỗi tuần, thành phố sẽ đánh giá mức độ lây lan của dịch bệnh để có những biện pháp linh hoạt tiếp theo nhằm vừa khống chế dịch bệnh, vừa bảo đảm cho thành phố phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn.