Talkshow “Một góc nhìn thể loại trinh thám qua các tác phẩm của Edogawa Ranpo” có sự tham gia của MC, nhà báo Lữ Mai, diễn giả, khách mời Nam Đỗ - Admin Hội thích truyện trinh thám, Chang Reading - KOL BookTok nổi tiếng, cùng nhiều nhà báo, tác giả, độc giả và người yêu văn học trinh thám.
Edogawa Ranpo (1894-1965), tác giả trinh thám nổi tiếng Nhật Bản có tên thật là Tarō Hirai. Ông được mệnh danh là "ông tổ trinh thám Nhật Bản", một tượng đài văn học trinh thám với nhiều ấn phẩm trinh thám mang yếu tố kinh dị, tâm lý đặc sắc.
Bút danh Edogawa Ranpo cũng là một sự thú vị khi cái tên Edogawa Conan - tên gọi của nhân vật chính Kudo Shinichi sau khi bị teo nhỏ trong series manga “Thám tử lừng danh Conan” chính là được kết hợp từ tên của hai nhà văn trinh thám vĩ đại của phương Đông và phương Tây: Edogawa Ranpo và Conan Doyle.
Edogawa Ranpo sinh ngày 21/10/1894 tại Nabari, tỉnh Mie. Ông là con trai trong gia đình có cha là thương nhân, từng hành nghề luật sư, còn ông nội vốn là một chiến binh Samurai phục vụ ở miền Tsu. Lúc Ranpo được 2 tuổi, cả gia đình đã chuyển đến sống tại Nagoya, thủ phủ của tỉnh Aichi.
Thuở nhỏ, Ranpo say mê các tác phẩm chuyển thể và bản dịch tóm tắt của những truyện trinh thám tiếng Anh có mặt tại Nhật Bản lúc bấy giờ. Vào năm 1912, ở tuổi 17, ông nhập học trường Khoa học chính trị và kinh tế thuộc Đại học Waseda, Tokyo. Trong thời gian còn là sinh viên, Ranpo dành hàng giờ liền chìm đắm trong các tác phẩm trinh thám của nhiều tác giả như Edgar Allan Poe, Arthur Conan Doyle và một số tên tuổi khác.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1916, với tấm bằng kinh tế trong tay, Ranpo đã kinh qua rất nhiều công việc khác nhau như biên tập báo, vẽ truyện tranh cho các tạp chí, thậm chí ông còn tự mở quầy mì Soba bên đường hay làm việc tại một hiệu sách cũ.
Bảy năm sau đó, vào năm 1923, Edogawa Ranpo viết truyện trinh thám đầu tiên là “Đồng xu hai sen” và lấy bút danh là “Edogawa Ranpo”. Nếu đọc nhanh cái tên này, sẽ phát hiện nó khá giống với tên thần tượng Edgar Allan Poe của ông.
Tác phẩm đầu tay của Ranpo đã xuất hiện trên tạp chí nổi tiếng Shin Seinen dành cho độc giả vị thành niên. Trước đây, tạp chí thường chỉ ra mắt tác phẩm của nhiều cây bút phương Tây như Arthur Conan Doyle, nhưng đây là lần đầu tiên họ tạo bước đột phá khi xuất bản truyện trinh thám của một tác giả người Nhật. Sự xuất hiện của Ranpo đã cho thấy được người Nhật cũng có thể sáng tác trinh thám sánh ngang với trinh thám phương tây.
Sau thành công với tác phẩm đầu tay, những năm tiếp theo, Ranpo tập trung viết nên loạt tác phẩm khai thác đề tài tội phạm và quá trình phá án. Trong số những tác phẩm ở thời kỳ này, rất nhiều câu chuyện trở thành tượng đài kinh điển của văn học Nhật đầu thế kỷ 20.
Mượn Shin Seinen làm nền tảng, Ranpo cứ thể miệt mài sáng tác và cho ra đời nhiều kiệt tác trinh thám. 1925 cũng là năm sự nghiệp của ông thăng hoa rực rỡ nhất, đây cũng là năm ông để lại cho mình địa vị bất biến trên diễn đàn văn học đại chúng.
Edogawa Ranpo đã viết rất nhiều truyện trinh thám trong giai đoạn thế chiến II. Ông thử sức mình với cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, thậm chí là trinh thám dành cho thiếu nhi. Thế giới nhân vật trong trinh thám của nhà văn đều mang màu sắc tâm lý méo mó, biến thái và thể chất dị biệt. Các câu chuyện đều toát lên màu sắc kinh dị, hồi hộp đúng đặc trưng phong cách Ranpo.
![]() |
Buổi tọa đàm thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc trẻ. |
Diễn giả Chang Reading cho rằng, điểm đặc biệt nhất của Edogawa Ranpo là xây dựng tác phẩm dựa trên nỗi sợ của con người và đó cũng là nét đặc trưng trong các tác phẩm của ông. Một điểm đặc biệt khác là cách ông mô tả vẻ đẹp của phụ nữ Nhật Bản và đưa nó trở thành một trong những động cơ phạm tội của thủ phạm trong các tác phẩm của mình.
Đồng tình với quan điểm này, diễn giả Nam Đỗ, admin group Hội thích truyện trinh thám cho rằng, đây là một trong những chiêu thức xây dựng tác phẩm của Ranpo. Ông là người yêu thích cái đẹp và thích biến cái đẹp thành yếu tố thôi thúc tội ác, kinh điển là truyện “Chiếc ghế người”. “Những yếu tố kỳ dị thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của Ranpo”.
Đó cũng là nguyên nhân Edogawa Ranpo xây dựng những nhân vật tội phạm với tâm lý lệch lạc, méo mó như trong “Mê cung tội ác”, “Địa ngục của những chiếc gương”, “Án mạng dốc K”, “Đảo địa ngục”, “Đảo quỷ”... Điều mà Ranpo muốn nêu bật là cái đáng sợ, kinh dị toát ra từ truyện của Edogawa Ranpo không phải đến từ những thế lực siêu nhiên, tâm linh mà cái kinh dị toát ra bởi chính cái ác, cái méo mó dị dạng trong chính tâm lý của con người.
Chính từ nghệ thuật xây dựng tâm lý tội phạm tài tình như vậy, Edogawa Ranpo đã đưa các tác phẩm trinh thám của mình trở nên độc đáo, và đưa bản thân ông trở thành một tượng đài trong dòng văn học trinh thám cổ điển Nhật Bản.