Kết nối và lan tỏa từ cây nêu

Không phải tự nhiên mà ngày hội trình diễn cây nêu được tổ chức trong dịp Đại đoàn kết các dân tộc, bởi nó thể hiện sự tương đồng, kết nối, giao thoa trong bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào Cơ Tu (Đà Nẵng) trình diễn “Lễ ăn trâu mừng lúa nước”.
Đồng bào Cơ Tu (Đà Nẵng) trình diễn “Lễ ăn trâu mừng lúa nước”.

Ngày hội trình diễn trích đoạn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương gắn với cây nêu là hoạt động điểm nhấn trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2023”, vừa diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội).

“Ơ Yàng phía Đông, Yàng phía Tây! Là các thần cai quản buôn làng, tôi gọi mời từ nơi xa, nơi gần về chứng giám cho dân làng. Ơ! Ơ! Ơ…”. Câu khấn gọi của già làng Y Bây Kbuôr (80 tuổi) trong lễ cầu sức khỏe của người Ê Đê ở Đắk Lắk cũng như lời khấn gọi đấng thần linh, yàng, trời đất… của người H’Mông, Mường, Thái, Cơ Tu, Ca Dong… và 54 dân tộc anh em trên mảnh đất Việt Nam thông qua cây nêu, vật trung tâm của các nghi lễ.

Góp mặt tại ngày hội là những cây nêu rực rỡ sắc màu với các họa tiết trang trí thể hiện tính linh thiêng, lòng tôn kính đối với thần linh, tổ tiên… cùng những nghi lễ gắn với cây nêu như “Lễ Hết Chá” của dân tộc Thái trắng, tỉnh Sơn La. Nghi lễ do những người dân được các thầy mo chữa cho khỏi bệnh thực hiện để tạ ơn trời đất, tổ tiên. Hay lễ cúng sức khỏe của đồng bào dân tộc Ê Đê, thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; là dịp để các thành viên trong dòng tộc được quây quần bên nhau... Người Ê Đê gọi cây nêu là Gơng drai, coi đó như sợi dây kết nối với các vị thần linh để cầu xin phù hộ cho mọi người có nhiều sức khoẻ, cuộc sống an lành, sung túc. Già làng Y Bây Kbuôr cho biết, dân tộc mình dùng cây nêu trong các dịp cúng cầu sức khỏe, mùa màng… Trong buôn giờ chỉ còn mình làm cúng lễ và truyền dạy cho thế hệ kế tiếp thôi. Nghề cúng này do cha mình truyền dạy, phải đến khi cha mất mình mới được đi làm lễ. Và người nối nghiệp mình chỉ được đi làm thầy cúng khi mình mất rồi.

Kết nối và lan tỏa từ cây nêu ảnh 1

Cây nêu trong “Lễ Then Kin Pang” của đồng bào Thái đen (Lai Châu).

Bên cạnh phần trình diễn cây nêu để xua đi cái xấu của năm cũ và đón cái tốt lành trong năm mới, đồng bào Mường ở Thanh Hóa còn trình diễn Lễ hội Pôồn Pôông (lễ hội thưởng hoa). Đây là nghi lễ với cây bông - vật trung tâm, thờ cả 18 vị vua Hùng. Theo ông Bùi Hồng Nhi, nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), vùng nào ở Thanh Hóa có người Mường là có Lễ hội Pôồn Pôông, đây chính là “hồn cốt”, nét văn hóa không thể thiếu của người Mường. “Pôồn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, hoa. “Pôồn Pôông” tức là lễ thưởng hoa, chơi hoa chung quanh cây bông để cầu cho bản Mường no ấm, thóc đầy bồ, lúa đầy sân, con người hạnh phúc.

Ngày hội còn có màn trình diễn quanh cây nêu của đồng bào Cơ Tu (Đà Nẵng), Thái đen (Lai Châu), Ca Dong (Quảng Nam). Theo ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc), các nghi lễ được trình diễn tại ngày hội rất thú vị, mỗi dân tộc đều có những bản sắc rất đặc trưng và gây bất ngờ. Các nghệ nhân, đồng bào dân tộc các địa phương đang gìn giữ một kho tàng các lễ hội, trong đó các trích đoạn lễ hội có cây nêu, phương tiện được hầu hết các dân tộc coi là vật kết nối giữa trời với đất và cầu mong những điều tốt đẹp cho đời sống. Có lễ hội cầu mong về sức khỏe, mùa màng, hạnh phúc lứa đôi.