Hình thành vùng chăn nuôi sạch bệnh
Ðến nay, Bình Phước có 421 trại chăn nuôi lợn, 88 trại gia cầm phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi với quy mô trang trại công nghiệp, an toàn dịch bệnh gắn với chuỗi giá trị; chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần được thu hẹp.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế khách quan có thể thấy, ngành chăn nuôi của tỉnh hiện còn không ít khó khăn, thách thức, như: Tỷ lệ chăn nuôi gia công còn cao, hiệu quả, thu nhập của người chăn nuôi gia công chưa ổn định; còn sự đan xen chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ với các cơ sở chăn nuôi tập trung; các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ… sản xuất theo chuỗi liên kết còn ít và chưa bền vững.
Bên cạnh đó, một số địa phương chăn nuôi đang phát triển mạnh nhưng chưa giải quyết tốt vấn đề về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao…
Với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu phát triển đàn lợn 2,7 triệu con, đàn gia cầm 18 triệu con; đến năm 2030, tổng đàn lợn hơn 3,2 triệu con, đàn gia cầm hơn 27 triệu con, nhằm đưa Bình Phước trở thành trung tâm xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của cả nước.
Ðể đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đang nỗ lực khắc phục những bất cập, hạn chế; đồng thời, tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, ban hành các chính sách thu hút, ưu đãi thu hút đầu tư vào phát triển các dự án chăn nuôi theo hướng hiện đại. Hiện nay, hơn 86% số trang trại gia súc, gia cầm ở Bình Phước đạt an toàn dịch bệnh; sáu huyện đạt an toàn dịch bệnh đối với gia cầm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: Tỉnh luôn ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng, phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp, tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và phương thức quản lý hiện đại, hướng đến chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, bảo đảm môi trường; phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cũng theo bà Hiền, tỉnh mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục quan tâm, đầu tư bài bản các chuỗi sản xuất khép kín nhằm tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, đa dạng để xuất khẩu. Về phía tỉnh, mục tiêu chung là phấn đấu xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới trên tinh thần Kết luận số 368-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Chăn nuôi theo chuỗi giá trị
Ðược biết đến là doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt gà xuất khẩu hiện đại và lớn nhất tại Việt Nam, Tổ hợp nhà máy CPV Food do Tập đoàn CP Thái Lan (Tổ hợp chăn nuôi CP) làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Becamex-Bình Phước (thị xã Chơn Thành) có vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD.
Ðây là tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín, công suất lên tới 100 triệu con/năm; trong đó, giai đoạn 1 là 50 triệu con/năm. Tổ hợp chăn nuôi CP Bình Phước đã tạo ra bước đột phá trong ngành chăn nuôi của Bình Phước; cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chỉ sau hai năm đi vào hoạt động, Tổ hợp chăn nuôi CP đã biến thế mạnh ngành chăn nuôi của Bình Phước thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu. Trong đó, đáng chú ý là lô hàng 33,6 tấn thịt gà chế biến mang thương hiệu CPV Food được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào cuối tháng 10/2022.
Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc CP Việt Nam cho biết: Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng và là thị trường mục tiêu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao. Với lô hàng đầu tiên xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản đã đánh dấu sự thành công của chuỗi giá trị Feed-Farm-Food (từ trang trại đến bàn ăn) của Tổ hợp chăn nuôi CP. Ðể làm được điều này, chúng tôi thực hiện truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến sản phẩm, thực hiện các tiêu chuẩn thực hành theo tiêu chuẩn thế giới như môi trường, phúc lợi động vật. Ngoài ra, sản phẩm đạt yêu cầu an toàn chất lượng để xuất khẩu, doanh nghiệp phải giám sát dịch bệnh gia cầm, giám sát chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm; thực hiện các yêu cầu vệ sinh thú y với cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến.
Tiếp nối thành công đó, năm 2023, Tập đoàn Japfa Comfeed Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ gia cầm tại Khu công nghiệp Minh Hưng-Sikico (huyện Hớn Quản).
Ông Arif Widjaja, Tổng Giám đốc Japfa Việt Nam cho biết: Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước giai đoạn 1 đạt công suất 240.000 tấn/năm với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2, chúng tôi tăng công suất lên 480.000 tấn/năm, bảo đảm cung ứng thức ăn chăn nuôi chất lượng cho thị trường Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nhà máy giết mổ gia cầm cũng được xây dựng đạt công suất 60.000 con/ngày, với số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Sự có mặt của các tập đoàn lớn, nhất là các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI đầu tư vào Bình Phước trong lĩnh vực chăn nuôi cho thấy, chính sách đúng đắn của tỉnh đã tạo động lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Qua đó, góp phần từng bước định hình ngành chăn nuôi phát triển theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.