Trong một chuyến công tác tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chị Trần Thị Hạnh Quyên đã xin một ít giống cây dâu tây về trồng thử nghiệm trên diện tích đất nông nghiệp sau nhà. Do hợp thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao mát mẻ nên cây dâu tây phát triển tốt. Chị Trần Thị Hạnh Quyên nhớ lại: “Khi đó tôi nghĩ, cây dâu tây chưa được trồng phổ biến tại địa phương, cho nên nếu nhân rộng diện tích sẽ bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, vườn dâu tây có thể phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm, vì huyện Đồng Văn hiện thu hút rất đông du khách, song các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, nhất là sản phẩm du lịch nông nghiệp”.
Từ suy nghĩ đó, năm 2019, gia đình chị Quyên quyết định chuyển đổi toàn bộ đất nông nghiệp của gia đình và thuê thêm đất của người dân với tổng diện tích 1 ha để trồng dâu tây. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, cộng với nguồn lực sẵn có, gia đình đã đầu tư hệ thống nhà lưới, giàn trồng, hệ thống tưới tiêu tự động để xây dựng một nông trại giữa trung tâm thị trấn Đồng Văn. Cây dâu tây khó tính, sâu bệnh nhiều nên trong suốt quá trình trồng, chăm sóc phải theo dõi thường xuyên; qua từng vụ vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, nông trại dâu tây của gia đình chị Quyên hiện nay đã phát triển tốt, cho quả đều.
Cây dâu tây được trồng từ tháng 9 năm trước, đến tháng 1 năm sau bắt đầu cho thu hoạch, vụ thu hoạch kéo dài đến cuối tháng 5, đây cũng là mùa du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Mấy năm gần đây, nông trại dâu tây của gia đình chị Quyên luôn là điểm đến hấp dẫn du khách. Du khách đến nông trại ngoài được trải nghiệm cách chăm sóc và trực tiếp thu hoạch dâu tây còn được hưởng thụ không khí trong lành, xanh mát giữa bốn bề núi đá.
Vào vụ thu hoạch, những ngày cuối tuần, hàng trăm lượt khách đến vườn trải nghiệm, hái quả. Ngoài phục vụ khách du lịch, nông trại dâu tây cung cấp sản phẩm ra thị trường với giá bán bình quân 250 nghìn đồng/kg. “Mô hình này cho giá trị kinh tế cao. Từ phục vụ khách du lịch và bán sản phẩm ra thị trường, mỗi năm trang trại dâu tây mang lại nguồn thu khoảng 500 triệu đồng”, chị Trần Thị Hạnh Quyên cho biết.
Nhằm tận dụng tối đa diện tích canh tác, gia đình chị Quyên đang trồng thử nghiệm cây nho sữa. Cây nho sữa được trồng theo giàn, bên dưới là dâu tây, bên trên là nho sữa. Sau ba năm trồng thử nghiệm, cây nho sữa đang phát triển tốt, bắt đầu bói quả. Đây là cây trồng hứa hẹn phát huy tối đa hiệu quả kinh tế cho mô hình nông trại bởi khi vụ dâu tây kết thúc cũng là thời điểm vào vụ thu hoạch nho sữa. Gia đình chị Quyên cũng trồng nhiều loại rau xanh theo mùa, vừa cung cấp ra thị trường, vừa phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch khi đến lưu trú tại homestay của gia đình. Mỗi năm, nguồn thu từ nông trại dâu tây, dịch vụ lưu trú, gia đình chị Quyên có thu nhập hàng tỷ đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đồng Văn cho biết: Hiện nay, huyện đang khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch, như nông trại của gia đình chị Trần Thị Hạnh Quyên là một điển hình cần được nhân rộng. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung phát triển các nông trại trồng các loại cây ăn quả ôn đới chủ lực như lê, mận, đào, dâu tây và cây dược liệu, vừa để phục vụ khách du lịch đến tham quan vào mùa hoa, thưởng thức các đặc sản nông sản ngay tại vườn.