Thoát nghèo từ mô hình cây ăn quả và chăn nuôi

Từng là hộ nghèo, sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình ông Phùng Quang Mai, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã tạo dựng được một mô hình trồng trọt và chăn nuôi tiêu biểu. Không chỉ thoát nghèo, gia đình ông còn vươn lên trở thành một trong những hộ có kinh tế khá nhất trong vùng…
Mô hình nuôi bò thịt vỗ béo của gia đình ông Phùng Quang Mai mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi bò thịt vỗ béo của gia đình ông Phùng Quang Mai mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Theo con đường bê-tông khang trang, rộng rãi, chúng tôi tìm về bản Mé Lếch, hỏi nhà ông Phùng Quang Mai, ai cũng đều biết người nông dân tiêu biểu với mô hình trồng na sầu riêng kết hợp với mô hình nuôi bò vỗ béo nằm ở cuối bản, mỗi năm thu về hơn 500 triệu đồng.

Nhà ông Phùng Quang Mai là một ngôi nhà mái Thái được xây dựng kiên cố, khang trang trong một khu đất rộng được bao phủ bởi hàng trăm gốc na đang trong giai đoạn chuẩn bị tỉa cành.

Ông Phùng Quang Mai nhiệt tình đưa chúng tôi ra thăm khu trồng trọt và chăn nuôi của gia đình. Ông chia sẻ: Vùng đất Cò Nòi này là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, H’Mông và sau này có người Kinh dưới xuôi lên khai hoang rồi ở lại cùng. Trước đây, khi nhắc tới cái tên Cò Nòi, nhiều người sẽ nghĩ đến vùng đất có cây ngô, sắn với những nóc nhà của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, phải lo ăn từng bữa khi vào mùa giáp hạt… Và nằm trong số đó, có gia đình ông cũng từng phải lo ăn từng bữa, chỉ biết trông chờ vào diện tích trồng ngô, trồng sắn hiệu quả kinh tế thấp.

"Sau nhiều năm bám trụ với cây ngô, cây sắn hiệu quả kinh tế thấp, tôi đã quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn quả sau khi tìm hiểu những mô hình ở trong và ngoài huyện. Những diện tích trồng ngô, sắn đã được gia đình tôi chuyển đổi sang trồng giống na dai. Sau đó, gia đình lại cắt tỉa sang ghép na sầu riêng trên toàn bộ diện tích thân cây na dai. Hiện, gia đình tôi có hơn 350 gốc na sầu riêng đã cho thu hoạch nhiều năm với thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm"-ông Mai nói.

Toàn bộ diện tích na sầu riêng của ông Mai được chăm sóc đúng quy trình, khắt khe từ khâu bón phân, tưới nước cho đến cắt tỉa cành và khâu thu hoạch quả; trong đó, không lạm dụng phân bón hóa học gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, năng suất của cây cũng như chất lượng quả… So với trồng ngô, sắn thì trồng na sầu riêng đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần và trong quá trình canh tác không làm bạc màu, xói mòn đất.

Ông Mai còn kết hợp phát triển mô hình nuôi bò thịt vỗ béo trên diện tích đất của gia đình mình. Ông đã tìm mua những con bò gầy đưa về tẩy giun, sán, tiêm vắc-xin phòng bệnh và vỗ béo.

Ông chia sẻ thêm: Trong quá trình nuôi nhốt, ngoài tiêm vắc-xin đầy đủ, cần phải cung cấp đủ thức ăn, chăm sóc, phòng bệnh cho bò đúng kỹ thuật. Ngoài ra, để tăng lượng thức ăn phong phú cho bò trong quá trình nuôi nhốt, cần phải chủ động thêm nguồn thức ăn là ngọn mía, rơm về để ủ làm thức ăn dự trữ. Chuồng trại luôn bảo đảm thông thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông và thường xuyên phải được vệ sinh để ngăn ngừa dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Dù là mô hình nuôi nhốt bò thịt vỗ béo, nhưng từ mô hình này mỗi năm gia đình ông cũng thu về hơn 200 triệu đồng. Có thời điểm, khu nuôi bò thịt vỗ béo có gần 100 con, mỗi năm xuất bán khoảng 60 con. Trước Tết gia đình đã xuất bán, hiện còn hơn chục con.

Ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, cho biết: Hội viên nông dân Phùng Quang Mai là một trong những nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Không chỉ làm giàu cho gia đình, tạo mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho gia đình, ông Mai còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều gia đình hội viên khó khăn khác về kinh nghiệm, kỹ thuật ghép na sầu riêng trên thân na dai. Ðáng chú ý, mô hình nuôi bò thịt vỗ béo cần được nhân rộng bởi quy trình nuôi bảo đảm môi trường và tận dụng được phụ phẩm từ chăn nuôi phục vụ cho trồng cây ăn quả…

Theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền cơ sở: Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi của gia đình ông Phùng Quang Mai ở bản Mé Lếch là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, và là mô hình có nhiều tác động giúp người dân trong vùng thay đổi phương thức canh tác, chăn nuôi. Từ mô hình này, có nhiều hộ nông dân học tập và áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, khơi dậy được phong trào nông dân thi đua sản xuất và kinh doanh giỏi không chỉ ở xã Cò Nòi.