Gắn kết chặt chẽ việc xây dựng đời sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Ở tỉnh Nam Định thời gian qua, việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; nhờ đó, chất lượng đời sống văn hóa, hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh ngày càng phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng diễn dân vũ tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Trực Ninh (Nam Định).
Đồng diễn dân vũ tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Trực Ninh (Nam Định).

Đến nay, tỉnh Nam Định có 3 huyện: Giao Thủy, Trực Ninh, Xuân Trường được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 143/146 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 54/146 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 95% khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa; hơn 90% hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định: Kết quả này thể hiện nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, kinh tế-xã hội nông thôn theo hướng phát triển bền vững.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn kết chặt chẽ, song hành với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh, nhờ đó, nhiều công trình văn hóa, thể thao được xây dựng đáp ứng nhu cầu người dân.

Giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh xây dựng nhiều công trình thiết chế văn hóa-thể thao; trong đó có 15 thiết chế văn hóa-thể thao cấp huyện như: sân vận động, nhà văn hóa, nhà thi đấu đa năng.

Toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 31 nhà văn hóa xã, thị trấn, 175 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố.

Đáng chú ý, giai đoạn 2023-2025, tỉnh tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng các công trình văn hóa, thể thao cơ sở bằng việc lắp đặt các trang, thiết bị tập luyện thể dục thể thao ngoài trời tại các địa điểm công cộng. Đến nay, tỉnh đã có 2.626 bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời được lắp đặt.

Bên cạnh những công trình thiết chế văn hoá-thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thể thao như các sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bể bơi, tennis, pickleball... được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, chủ yếu từ sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư và đóng góp của người dân, góp phần quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu giao lưu, học hỏi và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng.

Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao ngày càng được củng cố và mở rộng; đến nay, cả 9 huyện, thành phố trong tỉnh có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao đảm nhiệm vai trò, chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền và phát triển văn hóa, thể thao phong trào; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, hội trường đa năng.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở; toàn tỉnh hiện có 2.338 nhà văn hóa, địa điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, xóm, tổ dân phố; 2.054 sân thể thao ở các khu dân cư.

Mô hình xã hội hóa trong quản lý, vận hành nhà văn hóa được đẩy mạnh, giao cho cộng đồng trực tiếp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 900 đội văn nghệ quần chúng, hơn 60 câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật với hơn 3.000 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt và biểu diễn. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức khoảng 700 buổi hoạt động, giao lưu, biểu diễn, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần người dân tại các khu dân cư.

Hằng năm, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều chương trình liên hoan văn hóa, nghệ thuật quần chúng vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm. Các hoạt động này không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của quê hương Nam Định như: hát chèo, ca trù, chầu văn, trống hội, múa tứ linh...

Qua khảo sát thực tế tại huyện Trực Ninh - mới được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của tỉnh Nam Định, cho thấy việc gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đã tạo sự đồng thuận, lan tỏa, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Đồng chí Vũ Giao Hưởng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Trực Ninh cho biết, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện có các công trình đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức các sự kiện chính trị-văn hóa-xã hội của huyện, nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân trên địa bàn.

Huyện Trực Ninh cũng có 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa và khu thể thao; 100% thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa; 100% thôn, xóm, tổ dân phố ở các xã, thị trấn đã xây dựng và thực hiện tốt quy ước văn hóa; 95,4% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 99,5% thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 98,6% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng; tỷ lệ người dân thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đạt hơn 60%.

Thực tế ở tỉnh Nam Định cho thấy, việc đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, thể thao gắn với nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã góp phần làm cho diện mạo các vùng nông thôn trong tỉnh ngày càng đổi mới, khang trang, bức tranh nông thôn mới thêm phần sinh động, tươi sáng.