Gỡ “nút thắt” phát triển cụm cảng Cái Mép-Thị Vải

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, vùng Đông Nam Bộ được xem là đầu tàu kinh tế cho cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhìn từ trên cao.
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhìn từ trên cao.

Do vậy, việc nhanh chóng xây dựng Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là một bước đi quan trọng nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, một trong hai cảng biển đặc biệt của quốc gia.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho sự phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Bà Rịa-Vũng Tàu có hạ tầng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng, có hạ tầng biển, cảng biển, logistics, du lịch, khai thác thủy, hải sản, dầu khí và công nghiệp ven biển.

Tuy nhiên, việc khai thác lợi thế của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải hiện nay chưa thật sự phát huy hết hiệu quả do hạ tầng giao thông kết nối chưa hoàn thiện, hệ thống logistics chưa được quy hoạch, đầu tư đồng bộ và hiệu quả; hàng đến, hàng đi thiếu hệ thống kho bãi, thiếu đi hệ thống kiểm tra chuyên ngành. Sự phát triển của cụm cảng không chỉ có ý nghĩa với riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn cho cả vùng.

Từ đó, doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai cùng khai thác những lợi thế từ phát triển logistics, cảng biển ở Cái Mép-Thị Vải để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, đối với các hãng tàu biển, hầu hết văn phòng điều hành, các định chế tài chính, hệ sinh thái đều nằm ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, cần phải cải thiện sớm việc kết nối đường bộ giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi giao thông thông suốt, hàng hóa từ vùng hạ lưu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạ lưu của Campuchia, Thái Lan sẽ đổ về Cái Mép-Thị Vải.

Ngoài ra, tỉnh cần nghiên cứu phát triển kinh tế cảng biển như trung tâm hậu cần, trung tâm cung ứng nhiên liệu xanh, nhiên liệu sạch để phục vụ cho các hãng tàu biển sử dụng nhiên liệu sạch; đồng thời, cần thúc đẩy các thủ tục đầu tư, khai thác trung tâm logistics Cái Mép Hạ một cách hiệu quả, bảo đảm cho Cái Mép-Thị Vải trở thành một trung tâm kết nối không chỉ trong phạm vi quốc gia Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á nhận định: Khó khăn của cảng Cái Mép-Thị Vải là cảng đang bị chia thành nhiều bến cảng nhỏ, mỗi bến cảng chỉ có chiều dài từ 300 đến 600m, trong khi tàu container cỡ lớn hiện nay dài đến 400m.

Cảng Cái Mép-Thị Vải muốn trở thành một cảng trung chuyển, tầm cỡ quốc tế thì các nhà khai thác cảng trong cụm cảng Cái Mép-Thị Vải cần liên minh lại với nhau, trở thành đối tác của nhau để đón những tàu lớn của thế giới. Thủ tục hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành tập trung theo hướng một cửa, từng bước thực hiện lộ trình xanh hóa, số hóa cảng biển; tham gia các tuyến hàng hải xanh theo xu thế của thế giới.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu-Bộ Công thương, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thể nghiên cứu thành lập một chính quyền cảng, thống nhất các đầu mối cảng để công tác điều hành phát triển đồng bộ, đồng tốc theo một định hướng.

Việc xây dựng một mô hình thí điểm, dạng hình thành chính quyền cảng đồng nhất, sẽ góp phần làm tăng hiệu lực, hiệu quả, hạn chế những tiêu cực trong hoạt động cảng biển hiện nay.

“Bà Rịa-Vũng Tàu cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù dạng một khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do, cảng mở có các thể chế phù hợp với các nhà đầu tư nước ngoài và những nhà đầu tư trong nước muốn vươn ra nước ngoài; nâng cao tính chủ động trong quản lý và phát triển cơ chế Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải”, ông Trần Thanh Hải cho ý kiến.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Trọng Minh cho rằng: Cần phải có cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc xây dựng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đáp ứng với yêu cầu phát triển.

“Muốn thực hiện được tất cả những lĩnh vực này, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách, bộ máy tinh gọn, năng động. Nên chăng có thể mở thẩm quyền cho chính quyền địa phương để phát huy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không phải mỗi vấn đề nảy sinh lại ra Trung ương xin cơ chế chính sách. Ngoài ra, trung tâm kinh tế biển phải gắn liền với vận tải biển, vận tải hàng hải gắn liền với dịch vụ hàng hải. Cụ thể, cảng biển phải gắn với đường sắt, giải phóng hàng hóa nhanh thì mới thu hút được tàu lớn trên thế giới vận tải hàng hóa vào, ra với vùng kinh tế biển này”, ông Nguyễn Trọng Minh chia sẻ.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên kiến nghị, Trung ương cần mạnh dạn phân quyền, trao cơ chế chủ động tối đa cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong phát triển kinh tế biển.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải hiện đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cụm cảng nước sâu hàng đầu của cả nước, gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh)-Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Á.

Tại đây, hiện có nhiều hãng tàu, nhà khai thác cảng biển hàng đầu thế giới trong các liên doanh khai thác cảng. Đến nay đã có 48 tuyến container vào Cái Mép-Thị Vải, trong đó, 34 tuyến quốc tế và 14 tuyến nội địa.

Các bến cảng container tại Cái Mép hiện đứng thứ 32 trên thế giới về công suất và đứng thứ 12 về chỉ số hoạt động tốt nhất. Các bến tổng hợp tại khu vực Thị Vải đã tiếp nhận được tàu tổng hợp đến 100.000 DWT; khu bến chuyên dùng tại Cái Mép tiếp nhận tàu LNG trọng tải 92.713 DWT (chở 70.000T LNG); khu bến container tại Cái Mép tiếp nhận tàu container trọng tải đến 232.494 DWT.