Gìn giữ không gian văn hóa-lịch sử thiêng liêng

Gần nửa thế kỷ qua, Khu di tích Dục Thanh (thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận) vẫn giữ nguyên những nét cổ kính. Những kỷ vật từ thuở ban đầu, những mái ngói, chiếc bàn, bộ ván... vẫn hiện hữu, như chứng nhân thời gian, lặng lẽ kể lại câu chuyện về một thời tràn đầy lý tưởng và khát vọng cứu nước của Bác Hồ. Khuôn viên di tích luôn được chăm chút, gọn gàng, sạch sẽ. Đó là thành quả của những bàn tay thầm lặng ngày ngày cần mẫn vun đắp, gìn giữ, để nơi đây mãi là không gian văn hóa-lịch sử thiêng liêng giữa lòng thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận...
0:00 / 0:00
0:00
Khu di tích Dục Thanh luôn giữ nét cổ kính.
Khu di tích Dục Thanh luôn giữ nét cổ kính.

Ký ức không phai về vị lãnh tụ kính yêu

Vào những ngày bình thường, Khu di tích Dục Thanh cũng luôn đông các đoàn khách đến dâng hương, tham quan và tìm hiểu về nơi Bác Hồ kính yêu từng dạy học tại đây. Không chỉ có người dân địa phương, mà du khách từ khắp các tỉnh, thành phố, các đoàn thể, hội cựu chiến binh, ngành giáo dục, đoàn thanh niên... đến đây, mang theo tấm lòng thành kính nhớ về Bác. Nhiều đoàn kết hợp trao học bổng tặng học sinh nghèo, trao quà, hỗ trợ xây nhà tình thương, góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái từ chính nơi Bác từng dừng chân.

Bên trong khuôn viên rộng hơn 4.000m², cảnh sắc vẫn vẹn nguyên như thuở xưa. Những hàng cây, lối đi, giếng nước, ngôi trường Dục Thanh, nhà Ngọa Du Sào, nhà thờ cụ Nguyễn Thông... được bảo tồn nghiêm cẩn. Những hiện vật như chiếc án thư, bộ trường kỷ, nghiên mài mực, tráp văn thư, khay, ly… được sắp đặt như thể thầy giáo Nguyễn Tất Thành vừa mới rời khỏi ngày hôm qua. Vẻ đẹp đó không tự nhiên mà có, mà là kết quả của sự lao động cần mẫn và tâm huyết của những người làm công tác bảo tồn di tích.

Trong cái nắng oi ả vùng duyên hải, các công nhân vẫn cần mẫn cắt tỉa, tạo dáng cho những gốc cây, luống hoa trong khuôn viên di tích. Một trong những cây thiêng được bảo tồn cẩn trọng là cây khế do chính Bác Hồ từng chăm sóc. Đã hơn 100 tuổi, cây khế được cắt tỉa, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cẩn thận và vẫn ra quả hằng năm. Đây cũng là điểm dừng chân quen thuộc của du khách khi đến Dục Thanh...

Ở khu nhà di tích, từng sàn gỗ, mặt bàn, vật dụng đều được các nhân viên lau chùi, giữ gìn cẩn thận. Chị Nguyễn Thị Sen, nhân viên phụ trách vệ sinh, chia sẻ: “Chúng tôi luôn giữ gìn khu di tích sạch sẽ, không bụi. Mỗi lần có đoàn đến viếng, tham quan, chúng tôi càng phải làm kỹ hơn, nhất là vào mùa mưa, sàn dễ bẩn do vết giày dép”.

Ý thức gìn giữ không gian văn hóa của người dân cũng được hình thành từ chính vẻ sạch đẹp, ngăn nắp của khu di tích. Từ học sinh đến các bậc cao niên, từ người đến thể dục buổi sớm đến các đoàn tập văn nghệ… đều tự giác nhặt rác, giữ gìn cảnh quan chung. Một không gian văn hóa không chỉ lan tỏa từ lịch sử, mà còn sống động trong hành xử của cộng đồng.

Địa chỉ Đỏ tuyên truyền về lòng yêu nước cách mạng

Hơn 20 năm gắn bó với khu di tích, chị Nguyễn Thị Thùy Thương, phụ trách kiểm tra tài sản di tích cho biết: “Mỗi ngày tôi đều đi kiểm tra từng hiện vật, quan sát từng góc nhà. Nếu phát hiện dấu hiệu hư hỏng, sẽ báo ngay để bảo tàng có phương án tu sửa kịp thời”. Chị kể, khu di tích được trùng tu vào cuối năm 1980 trên nền một phần di tích gốc, kết hợp với lời kể và phác họa từ học trò cũ của Bác. Đến nay, trải qua nhiều đợt trùng tu, đặc biệt sau các đợt lũ lớn, các hiện vật gốc vẫn được gìn giữ kỹ lưỡng. Mỗi năm, toàn bộ đồ gỗ đều được khử trùng chống mối mọt hai lần.

Những nỗ lực âm thầm ấy đã giúp Dục Thanh giữ được vẻ cổ kính, nguyên trạng. Thầy Lê Văn Cúp (giảng viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng), người đã hơn 20 lần đến tham quan cho biết: “Mỗi lần đến, tôi lại thấy y như cũ, cây vẫn ra trái, mái ngói không đổi, kỷ vật không sứt mẻ. Điều đó chứng tỏ nơi đây được gìn giữ bằng cả tấm lòng”.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Khu di tích Dục Thanh đã đón 815 đoàn với hơn 52.000 lượt khách, trong đó có 237 lượt khách quốc tế. Ngoài tham quan, nơi đây còn tổ chức hơn 100 hoạt động chính trị, văn hóa như lễ viếng, hội trại, lễ tuyên dương, chiếu phim tư liệu, lễ rước đuốc… Đặc biệt, ngày 19/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 115 năm Người dạy học tại Trường Dục Thanh.

Không chỉ là điểm đến truyền thống, Dục Thanh hôm nay đang từng bước ứng dụng công nghệ số: thuyết minh tự động, trải nghiệm tương tác, mô hình thực tế ảo... để lan tỏa thông điệp giáo dục đến thế hệ trẻ. Nhờ vậy, không gian văn hóa, lịch sử nơi đây trở nên gần gũi hơn với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, tạo cảm hứng khám phá và học tập từ tấm gương đạo đức và chí hướng của Bác Hồ.

Từ những bàn tay thầm lặng, từ những tâm hồn tha thiết với lịch sử, di tích Dục Thanh hôm nay không chỉ là một công trình lưu giữ dấu tích của thầy giáo Nguyễn Tất Thành thuở nào, mà còn là điểm hội tụ của tình cảm, niềm tin và trách nhiệm gìn giữ di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau ■