Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết được đưa vào hoạt động đã góp phần tạo thuận lợi cho du khách từ Đồng Nai và các tỉnh lân cận đến Bình Thuận và từ tỉnh Bình Thuận đến Đồng Nai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung và du lịch của hai địa phương nói riêng.
Nằm giáp ranh tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận với gần 200 km bờ biển và đảo Phú Quý, có nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú và quý giá, nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường tự nhiên trong lành, hệ sinh thái biển đa dạng… Với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch liên tục phát triển, chất lượng cao, hàng trăm khu nghỉ dưỡng ven biển đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của du khách, Bình Thuận được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều tài nguyên du lịch vùng rừng, núi, nhiều di tích lịch sử-văn hóa cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho biết: Trong những năm gần đây, du khách từ Đồng Nai đến tỉnh Bình Thuận tăng đều và chiếm tỷ trọng cao trong các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh vị trí địa lý liền kề, cùng thuộc khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hiện đại, thì sự khác biệt giữa lợi thế và loại hình sản phẩm du lịch, với một bên là du lịch biển đảo và một bên là du lịch sinh thái, du lịch nông thôn ngày càng thu hút nhiều du khách Đồng Nai đến với Bình Thuận và ngược lại.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, địa danh lịch sử nổi tiếng, với 71 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan cho biết, trên địa bàn tỉnh có hai di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh và hơn 1.000 di tích được kiểm kê phổ thông khác. Bên cạnh đó, tỉnh đã được Thủ tướng công nhận ba bảo vật quốc gia gồm bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa, tượng thần Vishnu Bình Hòa và bộ sưu tập Qua đồng Long Giao.
Tỉnh Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng phát triển du lịch với hệ sinh thái rừng, thác, sông, hồ, núi… Nổi bật là khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; sông Đồng Nai là một trong những dòng sông thơ mộng, hiền hòa, một trong những dòng sông đẹp và dài nhất vùng Nam Bộ; hồ Trị An là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất nước được quy hoạch là khu du lịch quốc gia; núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai tại Nam Bộ với phong cảnh thiên nhiên hữu tình.
Địa phương này có 22 khu, điểm du lịch gồm nhiều loại hình như tham quan, vui chơi giải trí, sinh thái, thể thao, tín ngưỡng, văn hóa… Hệ thống ba sân golf từ 18 đến 36 lỗ; đặc biệt sân golf Long Thành được đánh giá là một trong những sân golf đẹp nhất Việt Nam. Khu du lịch Bửu Long được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ, Khu du lịch Đảo Ó-Đồng Trường. Tỉnh có 136 cơ sở lưu trú với tổng số hơn 3.700 phòng; 40 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai còn phối hợp các bộ, ngành triển khai nhiều công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Dự án đường cao tốc: Bến Lức-Long Thành, Dầu Giây-Liên Khương, Biên Hòa-Vũng Tàu; hệ thống cảng nước sâu Vũng Tàu-Thị Vải-Gò Dầu, đường vành đai 3, 4; đặc biệt dự án sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Biên Hòa sẽ tạo động lực cho phát triển du lịch trong những năm tiếp theo.
Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều dự án du lịch lớn như: Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan với quy mô khoảng 1.600 ha, vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng; dự án du lịch Thác Mai-Bàu nước sôi có vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng; dự án tuyến du lịch sông Đồng Nai có vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng… Các dự nán khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới cho du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho biết, thời gian tới, hai địa phương phải có nhiều chương trình xúc tiến, kết nối phát triển du lịch bổ trợ cho nhau, khơi dậy tiềm năng, lợi thế du lịch, tích cực hợp tác, liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng và tài nguyên du lịch; sử dụng hợp lý các nguồn lực, giải quyết nhu cầu thực tiễn để tạo động lực mới cho sự phát triển du lịch bền vững giữa các tỉnh ■