Gia tăng giá trị dệt may

NDO - Việc chính quyền Mỹ tạm thời áp thuế đối ứng 10% đối với hàng hóa Việt Nam trong 90 ngày được coi là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10.

Vậy làm thế nào để tận dụng tối đa cơ hội mang lại cho doanh nghiệp, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chung quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Chính sách áp thuế đối ứng mới của Mỹ đã tác động rõ rệt đến thị trường, vậy ông đánh giá thế nào về tình hình trên cũng như các giải pháp doanh nghiệp đang triển khai?

Ông Bạch Thăng Long: Việc Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới vào ngày 3/4, mặc dù chưa chính thức áp dụng ngay, nhưng lập tức tạo ra hiệu ứng “nghe ngóng” trong toàn chuỗi cung ứng. Một số khách hàng quốc tế tạm thời đình chỉ đơn hàng, khiến sản xuất chững lại.

Tuy nhiên, sau thông tin tạm hoãn thuế 90 ngày được công bố vào 10/4, thị trường lập tức hồi phục, khách hàng gấp rút yêu cầu giao hàng trong thời gian ngắn.

Đây là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội. Các doanh nghiệp Việt Nam, vốn vẫn chủ yếu gia công, đang đứng trước sức ép phải chuyển đổi nhanh hơn lên mô hình FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) và ODM (sản xuất thiết kế gốc) để gia tăng giá trị trong chuỗi.

May 10 đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như đàm phán lại với khách hàng trên tinh thần hợp tác bền vững, tối ưu hóa năng lực sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, đồng thời chuẩn bị các kịch bản ứng phó dài hạn nếu thuế được áp trở lại.

Chúng tôi tin rằng, nếu được hỗ trợ chính sách kịp thời từ Chính phủ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể thích nghi, thậm chí vươn lên mạnh mẽ hơn.

Phóng viên: Để tận dụng tối đa thời gian trong 90 ngày, đơn vị có cần tăng ca, tăng kíp nhằm sớm hoàn thành các mốc mục tiêu đề ra; ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp?

Ông Bạch Thăng Long: Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu của May 10 vượt 6% kế hoạch, vượt 15% so với cùng kỳ, đơn vị đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II và đang trong quá trình đàm phán đơn hàng quý III. Tuy nhiên, do biến động chính sách thuế từ Mỹ, một số khách hàng đang tạm thời chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn trước khi quyết định.

May 10 cũng xác định giai đoạn 90 ngày tới là thời điểm “thần tốc”. Đơn vị đã tổ chức lại dây chuyền, tăng ca hợp lý, phát động thi đua toàn hệ thống, phối hợp với Công đoàn triển khai “Tháng Công nhân 2025” với tinh thần lao động sáng tạo, kỷ luật cao, quyết tâm cán đích các đơn hàng quan trọng trước ngày 5/7/2025.

Thông điệp của chúng tôi tới toàn thể cán bộ công nhân viên và cộng đồng doanh nghiệp là: Bình tĩnh-Đoàn kết-Quyết tâm. Đó không chỉ là phản ứng trước khó khăn, mà là bản lĩnh của một ngành kinh tế mũi nhọn, đã và đang vượt qua nhiều thử thách toàn cầu.

Gia tăng giá trị dệt may ảnh 2

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.

Phóng viên: Trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt, doanh nghiệp cần làm gì để giữ chân người lao động và nâng cao vị thế cạnh tranh?

Ông Bạch Thăng Long: Trong ngành dệt may, nơi lực lượng lao động là yếu tố then chốt, việc giữ chân người lao động không thể chỉ trông chờ vào mức lương. Đó là sự kết hợp giữa phúc lợi, môi trường làm việc, cơ hội phát triển và giá trị tinh thần.

Tại May 10, chúng tôi thực hiện chiến lược “3 trụ cột”. Đó là: bảo đảm thu nhập ổn định và cạnh tranh, phúc lợi toàn diện và gắn kết tinh thần và phát triển dài hạn.

Trong đó, thu nhập trung bình của người lao động tại May 10 luôn được cải thiện, đi kèm các chế độ phụ cấp, thưởng minh bạch và công bằng.

Về phúc lợi toàn diện: Từ bảo hiểm đầy đủ, môi trường làm việc an toàn, đến các bữa ăn chất lượng được cải thiện liên tục thông qua khảo sát định kỳ. Một bữa ăn tốt là một hành động thể hiện văn hóa tôn trọng người lao động.

Về gắn kết tinh thần và phát triển dài hạn: Công đoàn chủ động tổ chức các hoạt động thi đua, đào tạo nâng cao tay nghề, chăm sóc đời sống tinh thần, hỗ trợ kịp thời người lao động trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi không coi người lao động là “nguồn lực” mà là “giá trị trung tâm”.

Phóng viên: Trước biến động thị trường, ông có nhận định gì về triển vọng xuất khẩu dệt may và các kiến nghị với Chính phủ?

Ông Bạch Thăng Long: Thị trường Mỹ, với mức tồn kho thấp sau đại dịch Covid-19, vẫn giữ vai trò quan trọng với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hàng dệt may Trung Quốc bị hạn chế vào Mỹ, có thể sẽ dồn sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và thậm chí cả Việt Nam. Lúc đó, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ khẩn trương đàm phán với Mỹ để tìm kiếm cơ chế thuế quan linh hoạt, bảo đảm lợi ích hài hòa. Tiếp tục chính sách tài khóa linh hoạt, đặc biệt là giãn, hoãn, giảm thuế phí cho ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may. Thành lập Quỹ tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn ESG, chuyển đổi công nghệ và số hóa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và tăng cường kết nối với hệ thống phân phối toàn cầu; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư, thuế quan để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, tạo hành lang chính sách thông thoáng để ngành dệt may không chỉ “sống sót” qua khó khăn mà còn đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!