Đạo diễn Lê Chí Kiên cho biết, anh đã ấp ủ ý tưởng về vở múa rối này trong chín năm ròng, khi đang học đạo diễn năm 2007. Anh nói: “Tôi chợt nảy ra ý định kết hợp vở diễn giữa người với rối, vì xưa nay vẫn thấy vở này được nhiều loại hình sân khấu đưa lên. Hiện nay nhu cầu của khán giả khá cao, nếu không có cái mới lạ, hấp dẫn thì khó có thể thu hút được họ”.
Khi bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng của mình, đạo diễn Lê Chí Kiên đã gặp phải không ít lo ngại của mọi người chung quanh. Anh kể: “Khi đến gặp gia đình cố tác giả Lưu Quang Vũ để nói chuyện về kịch bản, con trai của ông là Lưu Minh Vũ, vốn đã chơi với tôi khá lâu cũng tỏ ý băn khoăn không hiểu tôi sẽ đưa kịch bản này sang các con rối như thế nào. Khi đó tôi cũng chỉ nói với Vũ là yên tâm, cơ bản là gia đình Vũ cho phép tôi thực hiện về mặt bản quyền, còn phần thực hiện, tôi sẽ cho ra một “Hồn Trương Ba, da hàng thịt không giống ai hết”. Với đạo diễn, khi đó anh tự nhủ rằng nếu làm giống với các thầy thì không thể nào bằng các thầy được. Chính vì thế phải nghĩ ra một ngôn ngữ mới cho vở kịch.
![]() |
Sân khấu hình bàn cờ âm dương.
Để có được một không gian của “Hồn Trương Ba…” mới mẻ, đạo diễn Lê Chí Kiên đã phải mất hai tháng ngồi bàn với họa sĩ sân khấu mới ra được hình ảnh bàn cờ âm dương. Anh nói: “Ban đầu chúng tôi định xây dựng vở kịch trên hình ảnh một chiếc bánh đa, vì muốn đưa vở kịch vào trong đời sống của không gian chợ, một không gian hỗn độn. Anh đã bàn với NSND Ngọc Bích, đưa ra ý tưởng muốn có những âm thanh đương đại ngoài đời đưa vào chứ không muốn một bài nhạc đánh sẵn, và trên một nền chợ, với hình ảnh chỗ này bán hàng, chỗ kia hát xẩm, chỗ nọ ăn mày… Tất cả bắt vào để nói lên một câu chuyện đã cũ.
Những âm thanh của chợ búa, tiếng guốc gõ, dép lê, tiếng rao… tất cả đã được đạo diễn Lê Chí Kiên tạo thành một bản nhạc lạ lẫm mà rất thú vị ở ngay đầu vở kịch. Anh nói: “Tôi muốn gửi gắm mong muốn có một xã hội tốt đẹp, có trên có dưới, có tôn ti trật tự. Khi tất cả mọi người đã gõ guốc đều đều tức là xã hội đã hòa nhập với nhau và đã có một trật tự nhất định”.
Xây dựng một vở rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, theo đạo diễn Lê Chí Kiên, sẽ khó hơn rất nhiều đối với các loại hình sân khấu khác, bởi con rối là vật vô tri vô giác, nên rất khó có những biểu cảm cảm xúc cho khán giả. Đó cũng là lý do mà anh ấp ủ vở diễn trong suốt chín năm trời. “Làm không cẩn thận thì lấy lại hình ảnh rất khó, bởi vì tôi cũng hoạt động nghệ thuật lâu rồi, và cũng từng giành nhiều giải thưởng” – anh nói.
![]() |
Hồn Trương Ba trong xác anh hàng thịt.
Vở rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được dàn dựng với chất liệu là rối cạn, kết hợp với diễn viên diễn trực tiếp, sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như xẩm, chèo, hát chầu văn… Tổng thể vở rối là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa người thật và con rối, giữa ba tầng sân khấu đại diện cho tầng trời, cho căn nhà của hai gia đình Trương Ba và anh hàng thịt, và cho xã hội, ở đây là chợ, nơi gặp gỡ của mọi người, cũng có khi là thế giới của những âm hồn. Âm thanh, ánh sáng được sử dụng khá ấn tượng. Mặc dù đôi chỗ vẫn còn những điểm cần phải chỉnh sửa lại đôi chút, nhưng vở rối đã thực sự tỏ ra có sức hấp dẫn, nhận được lời khen từ phía Hội đồng nghệ thuật.
![]() |
Đạo diễn Lê Chí Kiên và các nghệ sĩ.
NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long cho biết, khi quyết định thực hiện dự án này, Hội đồng nghệ thuật Nhà hát cũng thấy rất “liều” bởi đây là vở diễn nổi tiếng, đã rất quen thuộc với khán giả từ bao năm nay, cũng đã đem lại thành công cho rất nhiều loại hình nghệ thuật. Anhc ho biết: “Chúng tôi đã phải tính toán rất kỹ, trước tiên là kịch bản, vì nguyên gốc là 90 trang, phải rút lại còn 30 trang, phải tìm, chọn những hình ảnh, lớp lang, màn diễn sao cho cô đọng nhất mà vẫn phải đầy đủ ý nghĩa. Khâu tìm cách thể hiện trên con rối cũng rất khó, làm sao phải vừa mới, lạ mà vẫn phải phù hợp và làm nổi bật được đặc trưng của nghệ thuật múa rối”.
Đối với người đứng đầu Nhà hát, vừa mang trách nhiệm “chủ tài khoản” đầu tư cho dự án, vừa là cố vấn nghệ thuật, Giám đốc Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ rằng anh chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm khi cảnh cuối cùng của vở diễn khép lại, và Hội đồng nghệ thuật dành cho vở diễn những đánh giá rất lạc quan. Đây sẽ là vở diễn đại diện cho Nhà hát đi dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ ba vào tháng 11 năm nay.