Chuỗi hoạt động tại VITM Hà Nội 2025 nhằm góp phần thúc đẩy các địa phương, các doanh nghiệp du lịch tập trung xây dựng các điểm đến xanh, sản phẩm du lịch xanh, đào tạo nguồn lao động có kiến thức về du lịch xanh, xúc tiến xanh để góp phần nâng tầm du lịch Việt Nam sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh của Việt Nam. Dịp này, một số thành tựu về chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng robot trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ cũng được giới thiệu lần đầu tiên, thu hút sự quan tâm và tương tác của công chúng.
Đáng chú ý, trọng tâm của VITM Hà Nội 2025 là diễn đàn “Phát triển điểm đến Xanh, nâng tầm Du lịch Việt Nam” với gần 300 đại biểu tham dự. Theo cách hiểu được thống nhất, du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu nếu du lịch Việt Nam muốn phát triển hiệu quả, lâu dài và giữ vững sức cạnh tranh.
Diễn đàn chia 2 phiên thảo luận gồm: “Điểm đến xanh và mục tiêu tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững” và “Thực hành phát triển Điểm đến xanh tại Việt Nam” với những số liệu mới nhất và những câu chuyện truyền cảm hứng từ các điểm đến và doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh. Trước yêu cầu từ thực tế, ngay sau đại dịch Covid-19, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tập trung xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh (VITA GREEN) với mục tiêu tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, có thể áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch trên cả nước. Dự kiến trong năm 2025 sẽ có 75% các đơn vị thành viên của Hiệp hội được nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa; 50% các đơn vị thành viên của Hiệp hội ban hành hướng dẫn/kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa hoặc lồng ghép nội dung giảm thiểu rác thải nhựa trong các quy chế/kế hoạch hoạt động.
Theo GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Kinh tế Du lịch để chuyển đổi xanh trong du lịch đòi hỏi phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, trong đó hỗ trợ các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân địa phương, ưu tiên các sản phẩm, thực phẩm hữu cơ và hàng thủ công địa phương. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch theo hướng khuyến khích du khách tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.
Số liệu của Ban tổ chức cho biết lượng khách du lịch nội địa năm 2024 vượt xa năm 2019. Lượng khách quốc tế tăng trưởng với tốc độ hàng đầu trong khu vực, đạt mức kỷ lục của năm 2019. Đặc biệt trong quý I/2025 vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 6 triệu lượt, tăng 29,6% so cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất từ trước đến nay.