Dự kiến từ năm học 2026-2027 sẽ bỏ tuyển sinh các cấp học theo địa giới hành chính

NDO - Dự kiến đến năm học 2026-2027, tuyển sinh các cấp học sẽ không còn thực hiện theo địa giới hành chính, thay vào đó, sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh bảo đảm học sinh được đến cơ sở giáo dục gần nhất với nơi cư trú.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Vũ Đại Thắng chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Vũ Đại Thắng chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra dự kiến trong năm học 2026-2027 việc tuyển sinh các cấp không còn thực hiện theo địa giới hành chính. Thay vào đó, sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh bảo đảm học sinh được đến cơ sở giáo dục gần nhất với nơi cư trú.

“Việc này đã được Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm từ năm 2023 trên cơ sở áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là bản đồ GIS)”, Bộ trưởng nói tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về công tác quản lý giáo dục khi thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy góp phần hoàn thiện xây dựng Luật Nhà giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Buổi làm việc do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 15/5.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, cần lấy việc bảo đảm vận hành bình thường của các cơ sở giáo dục làm ưu tiên hàng đầu, không sáp nhập cơ học các cơ sở giáo dục khi thay đổi đơn vị hành chính. “Sau khi ổn định bộ máy và đánh giá thấu đáo các phương diện, khi đó mới rà soát tái sắp xếp nếu cần thiết. Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể về việc này”, Bộ trưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Cũng tại buổi làm việc, nói về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng lưu ý, cần có sự phân chia trách nhiệm giữa cấp sở và cấp xã nhưng không cứng nhắc. Dẫn số liệu thống kê hơn 3.300 đơn vị hành chính cấp xã khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, 52.000 cơ sở giáo dục, 23,4 triệu học sinh, Bộ trưởng cho biết, bình quân mỗi xã có 7.000 học sinh, trong khi dự kiến có 2 công chức quản lý giáo dục cấp xã; sẽ có tập huấn trên phạm vi toàn quốc để minh định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các công chức này.

Thông tin về chủ trương tổ chức buổi học thứ 2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khẳng định, hình thức buổi học thứ 2 rất mở. Tuy nhiên, nguyên tắc thực hiện là chỉ cần một buổi để thực hiện chương trình học chính, đây là trách nhiệm của toàn ngành giáo dục. Còn buổi thứ 2 sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương.

Đặt ra yêu cầu không được để buổi học thứ 2 bị biến tướng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, trường học ngay ngắn, dạy học lành mạnh là phải ngăn chặn việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. “Các lớp học thêm có thể làm gia tăng thành tích học tập cho người học, nhưng không đem lại nhiều giá trị trong việc phát triển người học”, Bộ trưởng nhấn mạnh.