
Có một thời mà biết bao gia đình Việt Nam phải chịu cảnh ly tán. Một thời bom Mỹ trút trên mái nhà. Một thời mà những đứa trẻ đầu đội mũ rơm, lưng đeo vòng lá “ngụy trang”, men theo giao thông hào để đến trường. Tuổi thơ của họ gắn chặt với những lớp học trong bom đạn, sống xa cha mẹ và tập quen với việc tự lập. Họ là thế hệ lớn lên từ những ngày sơ tán…
“Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối”
Giống như bao đứa sinh ra giữa thời lửa đạn, năm 10 tuổi, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã phải xa cha mẹ, lên đường sơ tán. Ông là người con miền nam theo gia đình ra bắc tập kết. Cha ông - cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý, là một trong những cây bút kỳ cựu của Báo Nhân Dân lúc bấy giờ.
Nhớ về một thời sơ tán, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Có lẽ, tất cả trẻ con thời ấy không ai là không nhớ hình ảnh về chiếc mũ rơm. Chúng tôi dùng mũ rơm để vừa che nắng, che mưa, vừa phòng khi có mảnh bom, mảnh đạn rơi trúng đầu. Thế hệ của chúng tôi đã sống giữa làn bom đạn như thế, với chiếc mũ rơi lúc nào cũng thường trực trên đầu mỗi khi ra ngoài”.
Chúng tôi dùng mũ rơm để vừa che nắng, che mưa, vừa phòng khi có mảnh bom, mảnh đạn rơi trúng đầu. Thế hệ của chúng tôi đã sống giữa làn bom đạn như thế, với chiếc mũ rơi lúc nào cũng thường trực trên đầu mỗi khi ra ngoài.
Còn nhớ, năm 1955, khi gia đình ông tập kết ở miền bắc, vì cha là cán bộ điều chuyển từ miền nam ra, chưa có nhà ở nên cả gia đình ông được bố trí sống trong trụ sở Báo Nhân Dân tại 71 Hàng Trống, Hà Nội. Khoảng 4-5 năm sau, gia đình nhỏ lại chuyển về khu tập thể của cơ quan ở ngõ 11 Lý Thường Kiệt.
Thế nhưng, cuộc sống chỉ yên ổn được ít lâu. Năm 1964, khi Mỹ ném bom ngày càng dữ dội trên khu vực miền bắc, Hà Nội bước vào tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Lệnh cho người dân Thủ đô đi sơ tán đã có từ ngay cuối mùa hè năm ấy. Báo Nhân Dân cũng thành lập trại sơ tán cho con em cán bộ cách trung tâm thành phố vài chục cây số ở Hà Tây.
“Chúng tôi được đưa về Vân Đình, Tuy Lai, Thống Nhất (thuộc huyện Mỹ Đức của Hà Nội ngày nay). Tôi gọi đó là giai đoạn ‘mũ rơm’, là quãng thời gian bắt đầu một cuộc sống mới, thiếu vắng hình bóng của cha mẹ”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhớ lại.
Ký ức về tuổi thơ luôn thường trực trong trong tâm trí nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Có lẽ, vì quá ấn tượng về giai đoạn lịch sử ấy và chẳng thể nào quên được hình ảnh những đứa trẻ đội mũ rơm tới trường nên năm 2020, sau thời gian dài ấp ủ, ông đã cho ra mắt cuốn sách “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối”.
Trong trí nhớ của ông, thời “mũ rơm” kéo dài từ năm 1965-1972. Thuở ấy, những đứa trẻ bé loắt choắt đã phải tập quen với việc không có cha mẹ bên cạnh. Đứa lớn quản đứa nhỏ. Đứa thì ở trong trại sơ tán, đứa thì sống cùng nhà dân.
Chính những người dân ở vùng sơ tán đã dùng rơm từ lúa nếp bện chặt thành mũ để con em trong vùng đội đến trường. Rơm tuy thô sơ nhưng rất chắc và bền, chứa cả tấm lòng của người dân địa phương. “Chỉ có ngần ấy năm nhưng mũ rơm đã trở thành hình ảnh gắn liền với trẻ em miền bắc”, ông nói.
Trong bom đạn, những lớp học cũng được xây dựng với hình dạng đặc biệt. Phần mái nổi lên mặt đất, thân nhà lại ở dưới lòng đất, tựa như một cái hầm được che đậy khéo léo. Phải đi giữa giao thông hào, học sinh mới có thể tới trường.
“Đoàn con em của cán bộ Báo Nhân Dân đi sơ tán ở nhiều lứa tuổi. Nhỏ nhất cỡ 2-3 tuổi. Lớn thì cũng đã 12-13 tuổi. Mỗi lần tới trường, chúng tôi thường rủ nhau đi theo nhóm 5-6 người. Tất cả đều học chung với trẻ em địa phương và nhanh chóng hòa vào cuộc sống thôn quê yên bình”, ông Nhân cho biết.
Mỗi buổi chiều thứ Bảy và sáng Chủ Nhật, bọn trẻ lại rủ nhau ra bờ đê, cùng hướng mắt về phía Hà Nội. Nhìn những chiếc xe đạp xa xa, từng cặp mắt thơ dại ngóng trông, loay hoay tìm kiếm không biết có ai trong đó là người thân của mình không. Ai có bố mẹ tới thăm thì vỡ òa hạnh phúc, ùa ra đón. Còn ai chẳng nhìn thấy gương mặt nào quen thuộc thì lại… tiu nghỉu đi về.
“Ở vùng sơ tán, cực nhất là xa ba mẹ. Khoảng mấy tháng, anh em tôi mới được gặp cha mẹ một lần. May mắn rằng, chúng tôi đều được động viên và chăm sóc đầy đủ. Những đứa trẻ cũng dần hiểu cho hoàn cảnh của gia đình nên nên ai ai đều cố gắng học thật giỏi, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Và những đứa trẻ thời chiến đã trưởng thành như thế”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.

Trở về tinh khôi
Sinh ra ở “tọa độ lửa” Vĩnh Linh, Quảng Trị - một trong những khu vực bị địch đánh phá ác liệt nhất cả nước, trong ký ức của ông Phan Văn Tuyến, hình ảnh mũ rơm gợi nhắc ông về những năm 1970-1972 gian khó, về thời điểm được bà con Thái Bình cưu mang.
Mùa hè năm 1968, rời nơi “chôn nhau cắt rốn”, cậu bé Tuyến, khi ấy chỉ chừng 7 tuổi, là lứa cuối cùng của con em Vĩnh Linh sơ tán ra bắc theo Kế hoạch 8 - K8. Thời điểm đó, nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch này nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, gìn giữ lực lượng và nòi giống, bảo đảm cho lực lượng ở lại yên lòng chiến đấu, đồng thời, mong muốn các em có điều kiện học tập, sau này trở về xây dựng quê hương.
Hình ảnh Trường cấp 3 Vĩnh Linh sau trận oanh tạc của kẻ thù ngày 8/2/1965. (Ảnh tư liệu)
Hình ảnh Trường cấp 3 Vĩnh Linh sau trận oanh tạc của kẻ thù ngày 8/2/1965. (Ảnh tư liệu)
Ông Phan Văn Tuyến được gọi đi sơ tán 2 lần. Lần đầu, cha dẫn ông đi đến điểm tập trung. Nhưng vừa đến nơi thì gặp ngay máy bay trinh sát L19 của quân địch rà trên đầu. Trước nguy cơ có thể bị phát hiện, cha đã nhanh chóng dúi ông vào bụi dưa bên cạnh để tránh bị phát hiện. Quá hoảng hốt, ông liền nằm sấp người xuống. “Tôi gần như nín thở khi biết nguy điểm đang kề cận mình. Vậy là lần sơ tán đã bị hoãn lại như thế”, ông Tuyến nói.
Phải đến độ 1 tháng sau, ông mới được gọi đi sơ tán lần hai. Hẹn nhau ở xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, cả đoàn 32 người chính thức lên đường. Trong đoàn, ngoài các cháu nhỏ, thì có hơn 10 người là bảo mẫu, giáo viên và y tá. Hành trình ngược ra bắc của họ kéo dài cả tháng trời.
“Tôi vẫn nhớ sau nhiều ngày đi bộ ròng rã, qua phà Tân Đệ bắc ngang con sông Hồng, từ xa, chúng tôi thấy một đoàn đông đúc đánh trống, vẫn cờ hoa chào đón. Trong ánh mắt của một đứa trẻ non nớt sinh ra từ vùng lửa đạn bấy giờ, chưa bao giờ tôi được thấy cảnh đẹp như thế”, ánh mắt ông Tuyến sáng rực khi nhớ về ngày được bà con Thái Bình chào đón.
Theo nhóm người vẫy cờ hoa, cả đoàn K8 tiến về xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ. Đi đến đâu, trống và cờ được phất cao đến đó. Những ngày mới đến, con em từ vùng sơ tán được bồi bổ sức khỏe, chăm sóc kỹ càng. Ít ngày sau, mỗi nhà được phân công nhận nuôi một học sinh K8.
“Tôi được phân về nhà bố nuôi Bùi Đình Tuấn. Khi ấy, gia đình ông đã có 3 người con. Ngày về, tôi trở thành đứa con lớn thứ hai trong nhà”, ông Tuyến nói.
Sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở, các học sinh K8 được cho đi học theo độ tuổi phù hợp. Ông Tuyến chia sẻ: “Lớp học đầu tiên của cuộc đời tôi gọi là lớp vỡ lòng. Chúng tôi đã được dạy để quen với các mặt chữ ‘o, a, c, m’. Tôi vẫn nhớ, cô giáo Sành là người đầu tiên dạy tôi con chữ”.
Sự tận tâm, nhiệt huyết và tình cảm của các thầy, cô giáo góp phần gìn giữ nụ cười hồn nhiên của các em học sinh.
Sự tận tâm, nhiệt huyết và tình cảm của các thầy, cô giáo góp phần gìn giữ nụ cười hồn nhiên của các em học sinh.
Sau lớp vỡ lòng, các học sinh tiếp tục học lên lớp 1, lớp 2, lớp 3. Ban đầu, con em Vĩnh Linh cho học theo một lớp riêng biệt để tránh việc bỡ ngỡ. Sau dần, tất cả đều hòa chung học cùng con em Quỳnh Xá.
“Lớp học nhỏ lắm, được lợp bằng rạ, lá tranh, lá lau. Chúng tôi cứ học như thế đến năm 1972 thì mới bắt đầu xây trường ngói. Khó khăn trên hành trình đến trường có lẽ là vào mùa mưa lũ. Đường đi thì trơn trượt, mà trong dòng lũ thì thường có… đỉa”, ông Tuyến nhớ lại.
Theo ông Tuyến, khó khăn và nguy hiểm nhất trên hành trình đến trường rơi vào thời điểm từ năm 1970-1972, khi khu vực miền bắc chịu sự bắn phá của quân Mỹ. Thái Bình dù không phải là tâm điểm của các đợt bắn phá, nhưng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
“Thời điểm ấy, cạnh trường học bao giờ cũng có một chiếc hầm chữ A. Học sinh đến lớp bao giờ cũng được nhắc phải đội mũ rơm để giữ an toàn. Chính bố mẹ và anh chị nuôi đã đan cho tôi chiếc mũ ấy. Đến tận bây giờ, hình ảnh mũ rơm vẫn trở đi trở lại trong giấc mơ về những ngày sơ tán của tôi”, ông trải lòng.
Tuổi thơ của những đứa trẻ sơ tán là những ngày tháng sống xa gia đình, buổi sáng cắp sách đến trường, chiều về phụ cha mẹ nuôi chăn trâu, cắt cỏ, đi câu. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ mà, làm được điều gì cho gia đình, tôi đều cố gắng cả”, ông Tuyến cười khi nhắc về kỷ niệm cũ.
“Năm 1973 là thời điểm học sinh sơ tán được trở về quê hương. Tôi còn nhớ hôm ấy, thấy tôi, bố nuôi mừng rỡ, reo lên: ‘Tuyến ơi, ký Hiệp định Paris rồi, con sắp được về quê nhà rồi!’ Còn mẹ nuôi cứ ngậm ngùi, nửa mừng nửa chẳng đành rời ra và nói: ‘Hay là thôi, con ở đây với mẹ’. Cả xã đã tổ chức một bữa liên hoan để chia tay các em học sinh Vĩnh Linh”, ông cho hay.
Vậy là lần chia tay ấy, mảnh đất Quỳnh Xá, Quỳnh Phụ, Thái Bình đã trở thành quê hương thứ hai, một nỗi nhớ khôn nguôi trong trái tim của cậu học sinh Phan Văn Tuyến. Bẵng đi thời gian dài, đến năm 2007, ông mới có điều kiện để trở về Thái Bình lần hai.
Đồng bào Vĩnh Linh trở về sau khi Hiệp định Paris được ký kết. (Ảnh tư liệu)
Đồng bào Vĩnh Linh trở về sau khi Hiệp định Paris được ký kết. (Ảnh tư liệu)
“Đúng ngày 27/5/2007, đoàn xe hơn 30 người chở các học sinh và gia đình của học sinh K8 năm ấy về lại Thái Bình. Ngôi trường cũ dường như đã khang trang hơn. Chúng tôi cũng được gặp thầy cô và bạn bè cũ, ai cũng bồi hồi, xúc động”, ông Tuyến chia sẻ.
Từ lần đó, ông Phan Văn Tuyến đã trở lại nơi cưu mang mình được 17 lần. Ông cũng đem cả con gái ra thăm nhà cha mẹ nuôi và trở thành cầu nối trong ban liên lạc cựu học sinh K8 của xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
“Bây giờ, nghĩ về những năm tháng đi sơ tán là nhớ về một thời đội mũ rơm tới trường”, ông Phan Văn Tuyến chia sẻ. Còn với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, “đó là một thời vô cùng vất vả, nhưng đọng lại là lòng biết ơn và niềm tự hào, đó cũng là cái nôi nuôi dưỡng và rèn luyện để một thế hệ lớn lên giữa bom đạn, dạn dày và trưởng thành”.

Ngày đăng: 14/5/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN-HỒNG VÂN
Nội dung: LÊ HÀ-NGỌC KHÁNH
Trình bày: PHƯƠNG NAM