Tầm nhìn xa để có giải pháp “đón đầu”

Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bế mạc ngày 14/3, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp thường kỳ thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra ngay đầu tháng 5, sớm hơn so với thông lệ khoảng 15 ngày và kéo dài khoảng hai tháng. Đây sẽ là kỳ họp dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và điều hành phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều nội dung đặc biệt quan trọng. Nguồn: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và điều hành phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều nội dung đặc biệt quan trọng. Nguồn: Quochoi.vn

Có thể dự liệu rằng, ngay cả với thời gian họp dài kỷ lục đi nữa, chắc chắn Quốc hội và các cơ quan có liên quan cũng cực kỳ vất vả, bởi chương trình nghị sự của kỳ họp này là rất nặng nề. Bên cạnh những nội dung theo thông lệ, Quốc hội sẽ nghiên cứu, sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan theo các kết luận số 126-KL/TW; 127-KL/TW; 128-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là những nhiệm vụ mới, chưa kể các dự án đã có trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 (gồm 11 dự án luật được xem xét, thông qua và 16 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến). Công tác rà soát vẫn đang được tiến hành khẩn trương và một số dự án luật sẽ tiếp tục được đề xuất bổ sung sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp.

Chính vì thế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp nhiều phiên; các cơ quan Chính phủ và Quốc hội đều phải chuẩn bị tinh thần làm việc không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ; phối hợp hết sức chặt chẽ với nhau để các dự thảo trình Quốc hội đạt chất lượng, bảo đảm sự đồng thuận.

Không những thế, việc sắp xếp và thực hiện chương trình nghị sự kỳ họp cũng phải hết sức khoa học. “Khoảng lặng” vài tuần được bố trí giữa hai đợt họp chính là để tiến hành lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp và tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các văn bản pháp quy hết sức quan trọng làm rường cột cho bộ máy mới.

Những lợi ích của việc sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy là rất rõ ràng trên nhiều phương diện: mở rộng không gian phát triển; phát huy tối đa các điều kiện, động lực thúc đẩy phát triển vùng và địa phương. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tiết kiệm ngân sách để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội…

Mặc dù vậy, những tác động sâu rộng của việc thực hiện quá trình này cần được đánh giá kỹ lưỡng, thậm chí phải lường trước nhiều vấn đề với tầm nhìn xa để có giải pháp “đi trước đón đầu”. Chẳng hạn, việc thay đổi địa giới hành chính có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người dân; chính quyền cấp tỉnh, cấp xã sau sáp nhập có thể bị quá tải khi phải quản lý địa bàn rộng lớn hơn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, công chức không còn ở trong bộ máy nhà nước cũng sẽ khá lớn, cần có chính sách hợp lý để bảo đảm đời sống cho họ và gia đình, tránh gây mất ổn định xã hội. Từ góc độ văn hóa-xã hội, cũng không phải không có cơ sở khi một số ý kiến lo ngại việc sáp nhập có thể làm mất đi những đặc trưng văn hóa truyền thống của từng địa phương…

Còn nhớ, tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định kiên quyết: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi". Việc “làm tinh gọn” bộ máy ở trung ương đã bước đầu tiến hành suôn sẻ chính là cơ sở để tin tưởng công việc sắp xếp lại bộ máy hành chính ở địa phương cũng sẽ thành công.