Các loại hình nghệ thuật truyền thống bao gồm sân khấu, âm nhạc, múa, mỹ thuật. Mỗi loại hình có những thể loại riêng như: Sân khấu có tuồng, chèo, cải lương, múa rối; múa có múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng; âm nhạc có ca trù, hát xoan, bài chòi, quan họ, nhã nhạc, hát văn, xẩm... Mỗi loại hình nghệ thuật truyền thống có đặc thù riêng, yêu cầu những cách thức bảo tồn phù hợp để tránh nguy cơ thất truyền.
Trong các thể loại sân khấu và âm nhạc truyền thống, việc đào tạo các lớp nghệ sĩ kế cận vẫn bằng phương pháp trực tiếp. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ của xẩm, chèo, tuồng, cải lương... - những “báu vật nhân văn sống” đã ra đi, để lại khoảng trống lớn trong đào tạo nghệ sĩ trẻ.

Tạo lực cho đòn bẩy công nghiệp văn hóa
Nhận thức sâu sắc về thực trạng nêu trên, một số đơn vị nghệ thuật truyền thống đã quyết liệt áp dụng công nghệ để bảo tồn nguồn dữ liệu quý. Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Trung ương đã xây dựng thành công “nhà hát online” và đều đặn biểu diễn trực tuyến phục vụ khán giả hằng tuần.
Nhiều vở diễn, trích đoạn kinh điển được phát sóng giới thiệu đến hàng triệu khán giả thông qua các nền tảng số nhằm bảo tồn và lan tỏa vẻ đẹp của sân khấu truyền thống đến người xem trong và ngoài nước, thổi bùng ngọn lửa đam mê với nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ.
Nhà hát Chèo Việt Nam đã thực hiện và số hóa kho tư liệu hàng chục vở diễn mẫu mực trong nghệ thuật Chèo như: “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Từ Thức”, “Nàng Thiệt Thê”, “Trương Viên”...
Không chỉ các đơn vị nghệ thuật mà các diễn viên tâm huyết, nặng lòng với sân khấu truyền thống cũng tham gia tích cực. Các nghệ sĩ cải lương như Thanh Thanh Tâm, Bạch Tuyết, nhiều năm qua chăm chỉ ghi lại kinh nghiệm biểu diễn, những bài học diễn xuất, những trích đoạn xuất sắc trong các vở diễn đưa lên môi trường số với mục đích giới thiệu và lan tỏa vẻ đẹp của sân khấu cải lương đến khán giả.
Bên cạnh đó, một số địa phương, tổ chức, cá nhân cũng chung tay thực hiện. UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt đề án: “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2027” với mục tiêu số hóa các dữ liệu về nghệ thuật chèo, làm tiền đề cho việc khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy du lịch bền vững.
Tại Bạc Liêu, Đoàn Thanh niên các cấp đã phối hợp thực hiện các hoạt động bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng cách thu thập, ghi hình, ghi âm các tác phẩm nghệ thuật dân gian, các điệu múa truyền thống, các làn điệu dân ca cổ. Bản chuẩn “Dạ cổ hoài lang” cùng 20 bản tổ Đờn ca tài tử đã được các bạn trẻ nghiên cứu, số hóa trên không gian mạng. Hệ thống dữ liệu này được phân loại, quản lý, bảo đảm tính chính xác và là kho tư liệu thuận tiện cho người muốn tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống ở địa phương.
Một dự án nổi tiếng ứng dụng công nghệ để thực hiện bảo tàng trực tuyến về nghệ thuật sân khấu và diễn xướng dân gian Việt Nam do nhóm bạn trẻ thành thạo công nghệ tại Hà Nội thực hiện có tên là Trường Ca Kịch Viện. Khởi động từ năm 2020, đến nay, Trường Ca Kịch Viện đã số hóa nhiều thông tin quý giá liên quan đến các bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống như: Rối nước, Chèo, Tuồng, Cải lương, Xẩm, Quan họ, Chầu văn... Các triển lãm trực tuyến của Trường Ca Kịch Viện đã thu hút đông đảo lượng người truy cập.
Dù có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng trên thực tế việc ứng dụng công nghệ vào lưu giữ, bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống vẫn còn mang tính đơn lẻ, tự phát trong một số đơn vị, tổ chức, cá nhân. Việc đồng bộ và chuẩn hóa hệ thống dữ liệu về nghệ thuật truyền thống rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành văn hóa.
Thực tế nhiều năm qua, vấn đề gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng dẫn đến thất thoát, mai một vốn văn hóa cổ truyền. Vì thế, những tư liệu về nghệ thuật truyền thống cần được đánh giá kỹ càng, chuẩn hóa bởi các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đầu ngành, bảo đảm tính chính xác, khoa học và phải được tập hợp trong một kho dữ liệu chung do Nhà nước quản lý.
Các đơn vị nghệ thuật, các địa phương, các tổ chức, cá nhân có thể cung cấp nguồn dữ liệu để bảo tàng số về nghệ thuật truyền thống mang tầm quốc gia ngày càng phong phú hơn và tạo điều kiện để người dân có thể truy cập dễ dàng, tìm hiểu và thực hành nghệ thuật truyền thống.
Đây chính là nguồn dữ liệu cơ bản giúp các nhà chuyên môn xây dựng giáo trình đào tạo nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống, xóa dần tình trạng thiếu vắng sinh viên đào tạo cũng như thiếu vắng nghệ sĩ kế cận tại các đơn vị nghệ thuật truyền thống hiện nay.
Bảo tồn, chuẩn hóa các dữ liệu về nghệ thuật truyền thống là yêu cầu cấp bách trong thời đại công nghệ hiện nay. Để nghệ thuật truyền thống thật sự là điểm tựa bền vững cho phát triển công nghiệp văn hóa, biến các giá trị văn hóa thành sản phẩm phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, làm giàu cho đất nước.