Hà Nội đã có hơn hai năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đã đạt được nhiều thành quả. Song, việc phát triển CNVH còn manh mún, nhỏ lẻ; các đơn vị CNVH khó tiếp cận với những chính sách ưu đãi. Việc hình thành trung tâm CNVH sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc này.
Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển CNVH với 6.489 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề và làng có nghề. Hà Nội là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo. Thành phố đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019, đồng thời phấn đấu đến năm 2030, các ngành CNVH đóng góp 8% GRDP của thành phố. Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU ra đời, CNVH trên địa bàn thành phố đã phát triển hơn. Mặc dù vậy, một trong những vấn đề lớn nhất của CNVH Hà Nội hiện nay là phát triển nhỏ lẻ, manh mún, thiếu những doanh nghiệp, những trung tâm lớn. Các chính sách ưu đãi như: Vay vốn, ưu đãi thuê hạ tầng, ưu đãi thuế, hỗ trợ doanh nghiệp… tuy có trên lý thuyết, nhưng việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện cho CNVH phát triển, nhất là hướng tới hình thành những trung tâm có tính chuyên nghiệp, thành phố xây dựng dự thảo Nghị quyết về Tổ chức và hoạt động của trung tâm CNVH. Theo dự thảo, Hà Nội sẽ ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển CNVH để giao hoặc cho trung tâm CNVH thuê; ưu tiên xem xét chuyển đổi công năng của công trình tài sản công thành các không gian sáng tạo văn hóa mới để phát triển trung tâm CNVH. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm CNVH được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới; được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa. Trường hợp thuê công trình tài sản công để thành lập trung tâm CNVH thì nhà đầu tư được khấu trừ tiền thuê đất vào tiền thuê công trình; được miễn tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa ba năm đầu thành lập, giảm 50% tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa ba năm tiếp theo…
Dự thảo Nghị quyết đề cập ba mô hình tổ chức của trung tâm CNVH gồm: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và hợp tác xã. Từ khía cạnh đơn vị sự nghiệp công lập, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Thuận lợi của mô hình đơn vị sự nghiệp công lập là có bộ máy tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, là đơn vị trực tiếp quản lý tài sản, không cần phải thành lập một tư cách pháp nhân mới. Tuy nhiên, nhân lực của đơn vị sự nghiệp chưa được đào tạo, chưa hoạt động trong lĩnh vực CNVH; chưa có bộ phận có chức năng, nhiệm vụ phát triển các sản phẩm CNVH. Do đó, việc thành lập trung tâm CNVH cần có hợp tác giữa một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Nhà nước với các tổ chức, cá nhân để kết hợp nguồn lực của Nhà nước với các nhóm sáng tạo và chuyên môn, tri thức, kinh nghiệm của các nghệ sĩ, người hoạt động sáng tạo... Thành phố nên cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện mô hình thí điểm xây dựng trung tâm CNVH, thời gian từ hai đến ba năm”.
Để tận dụng nguồn đất đai nằm ngay tại trung tâm thành phố, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Dự thảo Đề án Trung tâm CNVH ở bãi sông, bãi nổi sông Hồng với trục không gian cảnh quan sông Hồng là không gian ngoài đê bao gồm mặt nước, không gian bãi giữa, không gian bãi ven sông, những khu vực dân cư hiện hữu. Đây còn là một bước đi chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô Hà Nội, sẽ trở thành biểu tượng văn hóa mới, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội ra thế giới. Song, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là hành lang pháp lý. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đề xuất: “Việc thành lập các trung tâm CNVH thành phố cần xác định mô hình đầu tư và cách thức đầu tư (đặc biệt đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất); cách thức tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; tính toán về giá, thời hạn, ưu đãi giá thuê, ngành nghề ưu tiên…”.
Trong khi đó, bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đề xuất: Hà Nội có nhiều di sản đô thị và nên tái sử dụng khu công nghiệp cũ, di sản công nghiệp bị bỏ hoang thành trung tâm CNVH - vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo cảm hứng sáng tạo. Ngoài ra, cần phát triển trung tâm liên kết đa ngành: Văn hóa, thiết kế sáng tạo, công nghệ, khuyến khích thử nghiệm mới và tạo không gian trải nghiệm.
(còn nữa)