Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia

NDO - Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương, thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
0:00 / 0:00
0:00

Đây là nội dung được Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh đề cập khi trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 20/5.

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc

Bộ trưởng cho biết, để có nguồn vốn dài hạn, bền vững cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Cùng đó là nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương, thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.

Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia ảnh 1

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh. (Ảnh: BÙI GIANG)

Về điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại thì căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

Trường hợp đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì điều kiện về nhà ở để được mua, thuê mua nhà ở xã hội gần địa điểm làm việc là chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình. Trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì khoảng cách ngắn nhất từ nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình đến địa điểm làm việc phải từ 30km trở lên.

Cũng theo dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất do thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất thì Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư số tiền chủ đầu tư đã chi trả để thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà nước giao, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án mà chủ đầu tư đã tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính phải nộp cho nhà nước

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...

Cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc hoàn trả chi phí cho chủ đầu tư nhà ở xã hội

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, có cơ chế ưu đãi hơn, giảm bớt các trình tự, thủ tục để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng thời, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội để góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: BÙI GIANG)

Đồng tình việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, song cơ quan thẩm tra lưu ý một số vấn đề liên quan đến chức năng của Quỹ. Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị quyết, "Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê."

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, quy định chức năng “đầu tư xây dựng” có thể dẫn đến cách hiểu Quỹ sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nếu vậy, cần làm rõ Quỹ có đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và luật khác có liên quan hay không để có cơ sở tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Quỹ Nhà ở quốc gia có chức năng tạo lập quỹ nhà ở xã hội, đề nghị làm rõ vị trí pháp lý, mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của quỹ nhà ở xã hội.

Mặt khác, theo Luật Nhà ở, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng tiêu chí về thu nhập và nhà ở là được mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu là nhà ở xã hội cho thuê thì chỉ cần thuộc các đối tượng này mà không cần đáp ứng tiêu chí về thu nhập và nhà ở.

Như vậy, quy định về nhà ở xã hội và nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê do Quỹ Nhà ở quốc gia đầu tư xây dựng, tạo lập là có trùng lặp, chồng chéo, khó phân biệt loại hình nhà ở theo đối tượng thụ hưởng. Hơn nữa, với quy định này thì phạm vi chức năng của Quỹ sẽ rất rộng vì đối tượng mà Quỹ hướng tới là toàn bộ người lao động trong xã hội.

Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia ảnh 4

Quang cảnh phiên họp ở hội trường sáng 20/5. (Ảnh: BÙI GIANG)

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, cần cân nhắc để bảo đảm tính khả thi của chính sách vì Quỹ do ngân sách nhà nước cấp và một số nguồn thu liên quan đến ngân sách nhà nước, các nguồn khác là hỗ trợ, huy động mà chưa rõ cơ chế...

Nếu mở rộng phạm vi chức năng của Quỹ thì cần xây dựng cơ chế tài chính của Quỹ phù hợp hơn, tăng cường xã hội hóa, thực hiện đúng Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này là cần nghiên cứu có cơ chế để huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Về việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng nội dung này vì một số lý do.

Thứ nhất, đây là nội dung có tác động lớn đến nguồn lực nhà nước nhưng chưa có đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, ý kiến của Bộ Tài chính khi góp ý về dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, nội dung này cũng chưa được báo cáo và có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Thứ hai, dự thảo Nghị quyết chưa xác định rõ thời điểm thực hiện việc hoàn trả nên có thể dẫn đến tùy nghi trong thực hiện.

Ông Tùng cũng phản ánh, một số ý kiến đồng ý với chính sách này để bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất và các nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, song cho rằng cần báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, đồng thời cần quy định chặt chẽ thời điểm hoàn trả.