Bài 1: Nhiều tuyến đê hư hỏng, xuống cấp
Có thể khẳng định, đê điều là hệ thống công trình quan trọng trước bão, lũ, bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Tuy nhiên, qua thời gian, một số tuyến đê đã xuống cấp, bị lấn chiếm, đe dọa an toàn đê điều và đời sống người dân.
Để phát huy hiệu quả của hệ thống đê điều trước thách thức của biến đổi khí hậu, trước mắt và lâu dài cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị cho việc đầu tư, xây dựng, tu bổ và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đê điều.
Tiềm ẩn nguy cơ sự cố trong mùa mưa bão
Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Trần Công Tuyên cho biết, cả nước hiện có hệ thống đê điều quy mô lớn, với tổng số hơn 9.708km đê, trong đó 2.776km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, cùng số lượng khổng lồ các công trình trên tuyến, với hơn 1.035km kè bảo vệ đê, 1.563 cống dưới đê, 632 kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão, 1.405 điếm canh đê… có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lớn, dân số đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước.
Hệ thống đê điều được xác định chống lũ, bão một cách triệt để, tập trung chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn có khoảng 45.508km đê bao, bờ bao các loại.
Tuy nhiên, do hệ thống đê lớn, hình thành từ lâu, chủ yếu đắp bằng đất, dưới tác động của thiên tai nên thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp, còn nhiều xung yếu.

Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch ngoài đê, ven sông Hồng và sông Đuống
Trên các tuyến đê từ cấp III trở lên, hiện nay còn tồn tại khoảng 300 trọng điểm xung yếu; 269,7km đê thiếu cao trình; 298,8km đê mảnh, nhỏ; 184,6km đê xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 354 cống và 223,1km kè hư hỏng. Ngoài ra, trong đợt lũ đặc biệt lớn sau bão số 3 (Yagi) năm 2024 đã xảy ra 805 sự cố đê điều.
Những ngày này, trên đoạn đê tả Lèn dài 2,8km, thuộc xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, dưới ánh nắng chói chang, gay gắt đầu hè, 25 công nhân cùng các phương tiện cơ giới như máy lu, máy đào, ô-tô tải cùng đang khẩn trương thi công hạng mục tường bao trên đê phía sông.
Kỹ sư Lê Văn Lâm, cán bộ kỹ thuật Công ty Trường Tuấn cho biết: Người lao động thực hiện đúng thiết kế, bảo đảm kỹ thuật thi công, duy trì chế độ bảo dưỡng khối lượng bê-tông mới đổ, phun nước giảm bụi.
Là thành phố công nghiệp ven biển, Hải Phòng hằng năm chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, bão lũ và nước biển dâng.
Sau ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), hệ thống đê điều, kè cống trên địa bàn thành phố đã bộc lộ không ít hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống thiên tai và tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống nhân dân.
![]() |
Một đoạn đê biển Cát Hải, thành phố Hải Phòng. |
Hiện, toàn thành phố có 24 tuyến đê, với tổng chiều dài hơn 416km, 91,74km kè và 386 cống dưới đê, chỉ có khoảng 241 cống bảo đảm an toàn, còn lại có tới 94 cống xếp vào diện kém an toàn và xung yếu, cần được đầu tư cải tạo, xây dựng mới.
Đặc biệt, tại các địa phương ven sông, ven biển như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão và Thủy Nguyên, hệ thống cống xuống cấp trầm trọng. Nhiều cống đã xuất hiện tình trạng rò rỉ, sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ sự cố trong mùa mưa bão, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều và đời sống người dân.
Xử lý nghiêm vi phạm
Chia sẻ về tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, Trưởng phòng Quản lý đê điều Trần Công Tuyên cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều còn diễn biến phức tạp.
Theo số liệu thống kê và báo cáo của các địa phương, chỉ tính trên phạm vi 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt thì tổng số vụ vi phạm pháp luật về đê điều từ năm 2011 đến tháng 4/2025 là 11.932 vụ, đã xử lý được 3.866 vụ (32,4%), còn tồn đọng 8.066 vụ (67,6%).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm lớn, chậm được giải quyết, xử lý, một phần do nhận thức của một bộ phận người dân, cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp cho rằng các hồ chứa thủy điện hiện nay đã đủ năng lực cắt lũ, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và khu vực hạ du, sẽ không có lũ lớn. Từ đó sinh ra tâm lý chủ quan, xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều.
Mặt khác, lực lượng trực tiếp quản lý đê ở các địa phương còn mỏng, chưa đáp ứng theo quy định, năng lực kinh nghiệm còn hạn chế. Thậm chí có địa phương còn chưa thành lập được lực lượng quản lý đê để tổ chức quản lý, hay chưa quy định cụ thể, chế độ, chính sách cho các lực lượng tham gia quản lý, hộ đê.
Ngoài ra, sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác đầu tư tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng đê điều còn hạn chế so với nhu cầu, chưa tương xứng với quy mô của hệ thống đê điều...
Thêm vào đó, một số địa phương, việc cấp phép xây dựng công trình ở bãi sông chưa tuân thủ các quy định của Luật Đê điều, dẫn đến việc xử lý, giải tỏa vi phạm khi công trình đã được địa phương cấp phép là rất khó khăn; một số nơi còn xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh dẫn đến việc xử lý không dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài.
Ngay tại thành phố Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật đê điều cũng diễn biến phức tạp, nhất là khu vực bãi sông. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh hàng chục vụ vi phạm pháp luật đê điều.
Để bảo đảm an toàn công trình phòng chống lũ, thành phố đã yêu cầu các hạt quản lý đê thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều; thường xuyên bám sát địa bàn quản lý, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, thiết lập hồ sơ, kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền, quy định pháp luật...