Chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão

Hà Nội bước vào mùa mưa bão 2025 với những dự báo thời tiết, thiên tai phức tạp và bất thường hơn nhiều so với các năm trước. Theo dự báo của Đài Khí tượng-Thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ nay đến hết tháng 12, thành phố sẽ hứng chịu nhiều loại hình thiên tai cực đoan: Nắng nóng gay gắt, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn diện rộng kèm dông lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh; nhất là nguy cơ lũ lớn trên hệ thống sông Bùi, Tích, Nhuệ, Cà Lồ.
0:00 / 0:00
0:00

Trong khi đó, trên cơ sở đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định trên các tuyến đê sông từ cấp III đến cấp đặc biệt nằm trên địa phận Hà Nội còn 5 trọng điểm xung yếu. Đó là khu vực đê, kè Xuân Canh - cống Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống thuộc địa phận huyện Đông Anh; cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm; cống Cẩm Đình nằm trên tuyến đê Vân Cốc thuộc địa phận huyện Phúc Thọ; đê, cống Tân Hưng - Cẩm Hà nằm trên tuyến đê hữu Cầu thuộc địa phận huyện Sóc Sơn và cụm công trình cống qua đê Yên Sở nằm trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa phận quận Hoàng Mai. Thực tế ấy đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động từ sớm, từ xa và tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Trước bối cảnh đó, ngày 18/3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Trong đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị quán triệt tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả khẩn trương, hiệu quả. Tư duy, cách làm trong ứng phó thiên tai phải đổi mới, linh hoạt, sát thực tiễn hơn.

Kinh nghiệm thực tiễn ứng phó thiên tai mùa mưa bão năm 2024 được Thiếu tướng Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội chia sẻ là khi xảy ra mưa lớn, ngập lụt, công an các quận, huyện phải nhanh chóng triển khai sơ tán dân, phân luồng giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản người dân. Đây là những kinh nghiệm quý, cần tiếp tục nhân rộng và áp dụng trong mùa mưa bão năm nay. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc dựa vào dân, lấy dân làm trung tâm trong các phương án ứng phó.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất đầu tư xây dựng các tuyến đê bền vững hơn một cấp so với tiêu chuẩn hiện nay, cải tạo hệ thống đê điều kết hợp chỉnh trang đô thị đồng thời ứng dụng phần mềm, hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời thông báo đến từng hộ dân ở vùng nguy hiểm. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này cùng việc kiện toàn bộ máy chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả sẽ giúp thành phố Hà Nội có thể giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão năm nay ■