Chỉ trong gần một tháng qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các quận, huyện đã liên tiếp phát hiện hàng loạt vi phạm tại các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học và bếp ăn tập thể.
Ngày 18/4, kiểm tra đột xuất Công ty TNHH TPT Đầu tư thương mại và Dịch vụ (số 7 phố Vạn Phúc, quận Ba Đình) - đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm. Cơ sở vật chất ẩm thấp, tạm bợ, xuống cấp và không được vệ sinh; nhiều trang thiết bị cáu bẩn, gây nguy cơ ngộ độc rất cao.
Ngày 28/4, đoàn đã kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể tại Công ty May liên doanh Plummy (khu tái định cư Hòa Phú, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai), thì công ty chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm. Nhà bếp không ghi chép sổ kiểm thực ba bước, không lưu mẫu thức ăn bữa trưa 28/4. Khu vực bếp có côn trùng; nền, tường khu vực bếp bong tróc, ẩm mốc…
Dù số lượng cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm được tổ chức nhiều, song tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn tiếp diễn, thậm chí có những biểu hiện phức tạp hơn. Nguyên nhân trước hết đến từ ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn tập thể còn hạn chế, chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ sức khỏe cộng đồng.
Thành phố cần rà soát, điều chỉnh lại cơ chế kiểm tra, giám sát theo hướng xây dựng bộ tiêu chí giám sát an toàn thực phẩm cụ thể đối với từng nhóm cơ sở như: Bếp ăn tập thể cơ quan, trường học, khu công nghiệp và cơ sở dịch vụ ăn uống. Các đoàn kiểm tra cần duy trì kiểm tra đột xuất định kỳ và bất thường, không thông báo trước, đồng thời công khai kết quả kiểm tra và danh sách cơ sở vi phạm trên cổng thông tin của quận, huyện để cộng đồng giám sát; siết chặt quy trình cấp phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cung cấp suất ăn tập thể, nhất là ở trường học.
Những cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, nhân viên được tập huấn và khám sức khỏe định kỳ, mới được cấp phép hoạt động và tồn tại. Về lâu dài, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; có thể nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về cơ sở thực phẩm, áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lắp đặt camera giám sát tại bếp ăn tập thể, nhà ăn trường học...