Nhận thấy những lợi thế khác biệt của hồ tiêu hữu cơ về kinh tế, sức khỏe cho cộng đồng và môi trường, năm 2016, ông Đặng Tấn Huynh, thôn 6, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp đã liên kết với Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà sản xuất hồ tiêu bền vững. Sau đó, ông Huynh vận động, liên kết với 10 hộ nông dân sản xuất hồ tiêu trên địa bàn để thành lập Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận do ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông cho biết, ban đầu HTX chỉ có 11 thành viên với 60 ha hồ tiêu hữu cơ. Sau khi tham gia HTX, thấy giá bán cao hơn, bảo vệ môi trường tốt, an toàn cho sức khỏe người sản xuất nên số nông hộ tham gia tăng lên 30 thành viên và diện tích sản xuất tăng hơn 80 ha, hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ.
Bên cạnh đó, 15 hộ dân phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ với khoảng 50 ha. Hiện HTX đang liên kết với 2 công ty lớn để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; mỗi năm tiêu thụ khoảng 80 tấn hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước châu Âu. “Hồ tiêu hữu cơ của HTX luôn bán với giá cao hơn thị trường từ 20- 40%. Thông qua liên kết với các công ty, năm nay HTX bán hồ tiêu cao hơn thị trường khoảng 50 triệu đồng/tấn”, ông Huynh phấn khởi.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, xã Nam Bình, huyện Đắk Song hiện có 65 thành viên, sản xuất 150 ha hồ tiêu. Trong đó có 50 ha hồ tiêu chứng nhận hữu cơ USDA và 50 ha chứng nhận RA đều phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm hồ tiêu của HTX luôn có giá bán cạnh tranh tốt hơn so với mặt bằng chung của thị trường, đem lại lợi nhuận cao cho xã viên. Xã viên Nguyễn Đình Công cho biết, gia đình anh có 1 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ, sản lượng năm 2024 đạt 4 tấn nhờ việc tham gia liên kết.
Cũng tại huyện Đắk Song, năm 2018, HTX Nông nghiệp- Thương mại-Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên được thành lập chỉ với 35 thành viên, đến nay đã có hơn 200 thành viên, tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ trên diện tích gần 1.000 ha. Toàn bộ thành viên đều được tập huấn các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn, cho nên tạo ra được chuỗi sản phẩm tiêu hữu cơ giá trị cao với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đầu ra ổn định trên thị trường. Quy trình sản xuất và các sản phẩm từ hạt tiêu của HTX hiện nay đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó, có 195,6 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU, JAS, Canada và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ quốc gia OCOP 3 sao. Hằng năm, HTX duy trì việc đánh giá chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Control Union với 150 ha tiêu hữu cơ Việt Nam; mỗi năm xuất khẩu từ 200-300 tấn hồ tiêu hữu cơ. Không dừng lại ở việc hỗ trợ kỹ thuật, HTX còn đóng vai trò cầu nối, mắt xích liên kết quan trọng giữa nông dân và thị trường. HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu giúp bà con tiêu thụ sản phẩm ổn định với mức giá cao hơn thị trường truyền thống.
Tại huyện Cư Jút, những năm qua, HTX Sản xuất-Thương mại- Dịch vụ Bình Minh luôn nỗ lực xây dựng chuỗi sản xuất hồ tiêu theo giá trị bền vững. Giám đốc HTX Lê Anh Sơn chia sẻ: Đơn vị đã kết nối với nhiều doanh nghiệp, đơn vị như Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam... để bảo đảm đầu ra hồ tiêu ổn định, tránh được biến động của thị trường. Hiện HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn 5 huyện, 14 xã với 27 nhóm nông hộ. Số hộ nông dân liên kết với HTX sản xuất hồ tiêu ngày càng tăng, hiện đạt trên 900 hộ. Diện tích hồ tiêu liên kết chuỗi giá trị của HTX hiện là 1.420 ha, sản lượng hơn 3.000 tấn/năm.
Đến nay, Đắk Nông có 10 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu bền vững; trong đó có 2 tổ sản xuất, 5 HTX, 2 doanh nghiệp với tổng diện tích 1.630 ha. Toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ tham gia liên kết sản xuất hồ tiêu lâu dài gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận, sản lượng đạt hơn 3.800 tấn/vụ. Tất cả các chuỗi liên kết này đều đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị sản xuất.
Tỉnh Đắk Nông đang có 24 cơ sở sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận, với diện tích trên 3.100 ha. Hiện đã công nhận 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại các xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, huyện Ðắk Song với tổng diện tích 1.549,4 ha. Người sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại các vùng đã công nhận được bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ và Rainforest, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Ðắk Song, Chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Ðắk Nông; tạo thuận lợi cho sản phẩm hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao có giá trị cao hơn và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tỉnh sẽ tập trung phát triển liên kết chuỗi giá trị ngành hàng hồ tiêu gắn với các liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua các vùng sản xuất tập trung. Chú trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; phát huy lợi thế chỉ dẫn địa lý sản phẩm hồ tiêu Ðắk Nông để xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm, tiến tới khẳng định mạnh mẽ thương hiệu hồ tiêu Ðắk Nông trên thị trường. Ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn.