Bảo tồn di sản thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Khu vực Tây Nguyên có nguồn đa dạng sinh học cao, hệ gen phong phú, giàu cảnh quan thiên nhiên, trong đó hệ sinh thái rừng chiếm diện tích khá lớn. Tây Nguyên có 6 hệ sinh thái tự nhiên, bên cạnh đó là hệ sinh thái đất ngập nước, chủ yếu là hệ sinh thái có dòng chảy nhanh. Việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00

Hệ thống di sản thiên nhiên tại khu vực Tây Nguyên là nguồn giá trị to lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tiềm năng phát triển du lịch. Với mục tiêu khai thác hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa để phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, các tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư, chủ yếu là các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; các sản phẩm tham quan, khám phá cảnh quan thiên nhiên, hệ động thực vật, nghiên cứu và giáo dục môi trường, thể thao giải trí gắn với các loại hình du lịch canh nông, cộng đồng, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số…

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp làm gia tăng các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Từ đó gây suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái, làm thay đổi quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản của nhiều loài động, thực vật; đe dọa sự tồn tại, phát triển của nhiều quần thể nhỏ, quý hiếm. Lũ lụt, hạn hán, mưa bão diễn ra thường xuyên hơn làm thay đổi dòng chảy, cảnh quan thiên nhiên vì thế cũng thay đổi.

Trước thực trạng đó, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững. Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu; quan tâm đầu tư bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Các tỉnh cũng ưu tiên các dự án du lịch với những loại hình phát triển phù hợp, mang lại lợi ích cho cộng đồng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới đời sống người dân và môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động các dự án, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản thiên nhiên; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thực hiện hành động thiết thực về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cho toàn xã hội. Các dự án cũng vừa kinh doanh vừa thực hiện nguyên tắc du lịch có trách nhiệm, như: tôn tạo cảnh quan, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm và chất thải.