Hội nghị khoa học lần thứ II của Hội Lọc máu Việt Nam với chủ đề “lọc máu hiệu quả” có sự tham gia trình bày báo cáo của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ các nước như CHLB Đức, Australia, Thái Lan, Malaysia, Ai Cập, Philippines và các bệnh viện lớn trong toàn quốc như: Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy, Quân đội 103...
Nhiều báo cáo rất giá trị và có tầm quan trọng đặc biệt được trình bày tại hội nghị như: Lọc máu Việt Nam thực trạng và thách thức (TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam); Một số phương pháp lọc máu mới (GS Khajohn đến từ Thái Lan); Vai trò của muối trong lọc máu: Hướng dẫn thực hành cho các nhà lâm sàng (GS Michiel Etters đến từ CHLB Đức); Nguy cơ trong quản lý thiếu máu ở người bệnh mắc bệnh thận mạn tính (GS Mohammed đến từ Ai Cập)...
TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, chuyên ngành lọc máu Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực Đông Nam Á và có bước phát triển mạnh mẽ, tiếp cận với trình độ hiện đại của lọc máu thế giới. Nhiều kỹ thuật cao đang được triển khai như: lọc máu chu kỳ, thẩm tách siêu lọc máu bằng dịch bù trực tiếp (HDF online), hấp phụ máu...
Tuy nhiên, lọc máu Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức từ đòi hỏi của thực tiễn, khi người bệnh suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa; số người cần phải lọc máu tiếp tục tăng.
Việt Nam có 350 đơn vị chạy thận nhân tạo với nguồn nhân lực 3.500 cán bộ thầy thuốc; số máy chạy thận nhân tạo là hơn 5.500 máy đang thực hiện lọc máu cho khoảng 33 nghìn bệnh nhân.
Đến nay, số người bệnh đã được ghép thận là hơn 4.500 trường hợp, một con số quá thấp so với số người có nhu cầu cần ghép. Số người có nhu cầu được ghép thận ở Việt Nam sẽ còn tăng trong những năm tới, điều đó đặt ra nhiều thách thức cho ngành lọc máu Việt Nam.
Hiện nay thiết bị cho lọc máu còn thiếu, quá tải ở một số đơn vị chạy thận nhân tạo; các trang thiết bị phục vụ lọc máu còn chậm thay thế, nhiều máy chạy thận nhân tạo có "tuổi đời" trên 10 năm.
Như vậy, ngành lọc máu Việt Nam cần tiếp tục có được sự quan tâm của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về chế độ, chính sách cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực.