Năm 2025, thu hút vốn FDI vào nước ta đã có một khởi đầu thuận lợi với con số 4,33 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam ngay trong tháng 1. Con số này tăng tới 48,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đáng chú ý là dự án tăng vốn 1,2 tỷ USD của Samsung Display đã được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao chứng nhận đăng ký đầu tư ngay vào ngày đi làm đầu tiên của năm mới. Dự án đã góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược đưa địa phương này trở thành cứ điểm về sản xuất của nhiều “đại bàng” công nghệ.
Chuyển biến rõ rệt về chất
Cùng với Bắc Ninh, ngay trong tháng đầu tiên của năm mới, nhiều địa phương khác cũng đón những tin vui trong thu hút đầu tư. Bình Dương là một thí dụ. Đầu tháng 2/2025, tỉnh này đã trao chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD. Trong số này, riêng hai dự án của VSIP, bao gồm một dự án hạ tầng khu công nghiệp và một dự án khu đô thị mới, có vốn đầu tư lên tới hơn 812 tỷ USD. Ngoài ra, còn có nhiều dự án tăng vốn của Cheng Loong Paper, Deneast Việt Nam và Dongil Rubber Belt Việt Nam…
Nhìn lại năm 2024, dù chưa chạm tới mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng con số đạt được 38,23 tỷ USD vẫn là một thành tích đáng ghi nhận. Hơn nữa, vốn thực hiện cũng đạt mức kỷ lục, lên tới 25,35 tỷ USD.
Điều quan trọng hơn cả, là xu hướng chung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bày tỏ mối quan tâm đến điểm đến đầu tư Việt Nam.
Lãnh đạo Goertek trong cuộc gặp đầu năm mới với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh chia sẻ, năm 2025, Goertek sẽ đầu tư dự án mới và đưa thêm nhiều chuyên gia, thiết bị công nghệ kỹ thuật mới sang Việt Nam.
Hiện tại, Goertek đã đầu tư tại Bắc Ninh hơn 1,3 tỷ USD để xây dựng 4 nhà máy, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử và thiết bị bay không người lái. Thông tin được đưa ra từ hồi cuối năm 2024, Goertek sẽ tăng vốn đầu tư để tăng gấp đôi sản lượng thiết bị bay không người lái, từ 30.000 sản phẩm hiện tại lên 60.000 sản phẩm/năm, trong năm 2025.
Nhìn nhận về những biến chuyển trong dòng vốn FDI vào Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, cơ cấu và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng, đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Rất nhiều dự án của các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư (như công nghệ cao) đang triển khai các dự án.
Việt Nam đã chứng kiến sự quan tâm, cũng như sự cam kết mạnh mẽ từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ như Samsung, LG, SK. Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang thể hiện ý định đầu tư vào Việt Nam, trong đó có tập đoàn công nghệ đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là những tín hiệu hết sức tích cực.
![]() |
Năm 2024, Bắc Ninh thu hút tổng cộng 4,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Ảnh: YÊN PHONG |
Chủ động để đón “sóng”
Với sự chủ động, tích cực xúc tiến và mời gọi, sau hơn một năm động thổ khởi công xây dựng, Khu công nghiệp Hải Long (Thái Bình) đã có 6 nhà đầu tư ký hợp đồng nguyên tắc và một nhóm nhà đầu tư là các công ty vệ tinh ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư, với tổng số vốn cam kết là 652 triệu USD. Các dự án đã ký kết đều có hàm lượng công nghệ cao với kỳ vọng sẽ mang giá trị gia tăng lớn.
Ông Đỗ Quang Tuấn, Giám đốc vận hành Khu công nghiệp Hải Long cho biết, việc thu hút đầu tư có sự chọn lọc dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó ưu tiên những nhà đầu tư có hàm lượng sản xuất công nghệ cao, các nhà đầu tư lớn.
“Ngay từ ban đầu, chúng tôi từng bước lựa chọn để tiếp xúc, thu hút nhà đầu tư. Khác với trước đây là phải lấp đầy bằng mọi giá, thu hút tất cả các ngành nghề, nhà đầu tư vào sản xuất”, ông Tuấn chia sẻ.
Năm 2024, Thái Bình thu hút 55 dự án FDI trị giá 1,16 tỷ USD vào các khu công nghiệp, lọt tốp 6 khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 13 cả nước về thu hút FDI. Đẩy mạnh thu hút dự án FDI, Thái Bình còn tích cực, chủ động lựa chọn và tiếp nhận nguồn vốn đầu tư.
Theo ông Vũ Kim Cứ, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, một số ngành tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư là ô-tô, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo… Tỉnh đặt trọng tâm chủ động mời gọi các nhà đầu tư có ưu thế về công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường với suất đầu tư lớn và không thâm dụng lao động. Từ đó có thể thúc đẩy hiệu quả đầu tư, mang lại giá trị gia tăng cho địa phương.
Nhiều chuyên gia khẳng định, năm 2025, triển vọng thu hút FDI vào nước ta sẽ tiếp tục tích cực nhờ sự tích cực và chủ động từ cấp Trung ương tới địa phương.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngay từ đầu năm nay đã và đang tích cực tăng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu công nghiệp ở nước ta. Trong đó phải kể đến hai dự án của VSIP, bao gồm một dự án hạ tầng khu công nghiệp và một dự án khu đô thị mới tại Bắc Ninh có vốn đầu tư lên tới hơn 812 tỷ USD. Hay Tập đoàn WHA (Thailand) vừa nhận chứng nhận đầu tư để phát triển một khu công nghiệp thứ hai tại tỉnh Nghệ An… Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đã chuẩn bị để đón “sóng” đầu tư tích cực ở nước ta trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu nhiều lần tại các diễn đàn về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, đó là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và quan trọng phải làm sao cho sự phối hợp giữa Việt Nam với các tập đoàn đầu tư nước ngoài trên tinh thần cùng thắng. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nếu nắm được nguyên tắc này và thấm nhuần từ Trung ương đến địa phương, nhận thức biến thành hành động và hành động này sẽ sát với những gì nhà đầu tư cần.
Đặc biệt mới đây, Nghị định 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (ban hành ngày 31/12/2024) với các chính sách ưu đãi đột phá, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, sẽ là bước đi quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục chủ động trong việc thu hút và giữ chân các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhiều quốc gia khác đã áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mà họ muốn thu hút đầu tư, vì vậy Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng chính là quá trình triển khai hỗ trợ, phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách, đồng thời, chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra trục lợi chính sách.
Trước Tết Nguyên đán, khi Thủ tướng Chính phủ có chuyến công du châu Âu, hàng loạt lãnh đạo tập đoàn lớn, như Visa, Amazon Web Services (AWS), Trip.com…, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ như Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson…, đã chia sẻ và bày tỏ mong muốn đầu tư và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, AI.