Bộ đôi kết hợp thống nhất ứng dụng phương châm “lấy độc trị độc”: sử dụng chính AI để "vạch mặt" các hình ảnh do AI tạo ra, và qua đó, đưa ra lời kêu gọi: Mỗi người trẻ hãy trở thành “người tiêu dùng thông tin” có trách nhiệm.
Trong video giới thiệu, “The PSAi” khéo léo đưa người xem vào một thế giới ảo, nơi có những hình ảnh kỳ lạ của những người nổi tiếng, hay những bức ảnh xúc động về thiên tai và chiến tranh. Tất cả đều là sản phẩm của AI. Ẩn sau vẻ ngoài chân thực đến gần như không thể phân biệt là thông điệp: Sự thật đang bị lấn át, bởi những sản phẩm giả mạo, trên không gian mạng. Và do đó, xét cho cùng, cảm xúc mà chúng mang tới, cũng chỉ là "hàng fake".
Cái tên “PSAi” là một cách chơi chữ thông minh: kết hợp giữa “PSA” (Public Service Announcement - Thông báo phục vụ cộng đồng) và “AI”, thể hiện mục tiêu giáo dục công chúng thông qua chính công nghệ gây tranh cãi này. Theo bà Betsy Morais, Tổng biên tập tạm thời của CJR, “mỗi người đều có vai trò trong việc ngăn chặn sự lan truyền của hình ảnh và thông tin sai lệch”.
Điểm đặc biệt của chiến dịch là đưa ra những mẹo nhận diện hình ảnh giả một cách đơn giản nhưng hiệu quả: đếm số ngón tay, kiểm tra đặc điểm khuôn mặt bất đối xứng, soi lỗi ngữ cảnh hay hình nền kỳ quặc. Đây chính là "bộ kỹ năng sinh tồn mới" của thế hệ trẻ trong thế giới số.
“Chưa bao giờ việc phân biệt thật - giả lại khó đến thế”, Dustin Tomes, Giám đốc sáng tạo của TBWA\Chiat\Day NY chia sẻ. “PSAi không chống lại AI, mà cố gắng dùng AI, như một công cụ để trao cho người dùng quyền định đoạt”.
Trong bối cảnh mạng xã hội đã trở thành nguồn tin chính của giới trẻ, “The PSAi” nhấn mạnh: Chúng ta không chỉ là người đọc, mà còn chính là người đưa tin, bởi mỗi cú click chuột, mỗi lần chia sẻ đều tạo ra ảnh hưởng. Và nếu thông tin giả lan truyền nhanh, thì chính bạn - người trẻ - phải là những rào chắn đầu tiên.