Được sống, được cảm nhận và được tiếp nối

Trải dọc chiều dài đất nước, từ câu hát ả đào nơi sân đình, làn điệu hát Dô dâng Thánh, đến tuồng cổ rộn rã hội làng, hay những màn múa rối chầu Thánh đầy linh thiêng... tất cả đều thể hiện sự hòa quyện giữa nghệ thuật diễn xướng và tín ngưỡng dân gian.
0:00 / 0:00
0:00
Múa rối chầu Thánh tại chùa Đại Bi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, một nghi lễ tâm linh độc đáo chỉ có trong dịp lễ hội.
Múa rối chầu Thánh tại chùa Đại Bi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, một nghi lễ tâm linh độc đáo chỉ có trong dịp lễ hội.

Trong các loại hình diễn xướng dân gian gắn bó mật thiết với không gian đình đền, ca trù là loại hình tiêu biểu cho nghệ thuật bác học Việt Nam. Còn được gọi là hát ả đào, ca trù từng được giới nho sĩ phong kiến ưa chuộng và xuất hiện không chỉ trong cung đình mà cả ở đình làng, hay các giáo phường âm nhạc xưa. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Đặng Hoành Loan nhận định: “Ca trù là một hình thức nghệ thuật truyền thống cổ truyền tương đối thống nhất trong cả nước. Mỗi giáo phường có phong cách riêng, nhưng vẫn giữ cái chung”.

Tại Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, ca trù từng phát triển rực rỡ. Theo truyền thuyết, vào đầu thế kỷ 19, nho sĩ Nguyễn Văn Đình từ Hưng Yên đến đây lập phường hát. Thời kỳ đỉnh cao, nơi đây có ca nương được vào biểu diễn trong cung đình Huế, được vua rất khen ngợi. Sau những năm dài gián đoạn do chiến tranh, đến năm 2005, các nghệ nhân cao tuổi nơi đây đã khôi phục chiếu ca trù. Ngày nay, câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn tiếp tục biểu diễn đúng lối cổ, từ nhạc cụ đến nghi thức, trong không gian linh thiêng của đình làng.

Tương tự, hát Dô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng là một loại hình diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ, gắn với tín ngưỡng tại đền Khánh Xuân. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, người đã gắn bó cả đời với hát Dô cho biết: “Hát Dô có ba thể loại: hát chúc trong đền, chầu Thánh và hát bỏ bộ ngoài trời. Mỗi tiết mục gắn liền với nghi lễ và đạo cụ truyền thống như quạt giấy, khăn đỏ, múi cam...”. Các làn điệu hát Dô sử dụng nhiều thể thơ dân tộc như thơ ba chữ, bốn chữ, lục bát, kết hợp các động tác múa, minh họa nhẹ nhàng nhưng mang tính tượng trưng cao. Từng câu hát, từng động tác đều là sự giao thoa giữa nghệ thuật và tín ngưỡng. Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đánh giá: “Hát Dô là một trong số ít các hình thức hát dân gian còn giữ nguyên được yếu tố nghi lễ và cộng đồng diễn xướng”. Đầu năm 2024, hát Dô Liệp Tuyết đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị đặc biệt của loại hình dân ca nghi lễ độc đáo này.

Không gian đình làng vùng Kinh Bắc, nơi thấm đẫm tinh thần lễ hội, là vùng đất nở rộ nghệ thuật tuồng cổ. Tuồng từng là sân khấu cung đình, nhưng sớm hòa nhập vào đời sống nhân dân, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu mỗi mùa hội làng. Tại làng Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, tuồng đã bén rễ từ cuối thế kỷ 19. Nghệ nhân Nguyễn Đức Tý, Trưởng đoàn tuồng Phú Mẫn, chia sẻ: “Khi lớn lên, chúng tôi đã thấy các cụ hát tuồng nơi sân đình. Dân làng đi xem đông nghịt, nghe trống trầu là bỏ cả việc mà đến xem”. Điểm đặc sắc là cho đến ngày nay, tuồng Phú Mẫn vẫn giữ được phong cách cổ, không pha cải lương. Người dân Phú Mẫn không chỉ xem tuồng, mà còn “chơi” tuồng, như một phần của đời sống tinh thần.

Cách một dòng sông, tại làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nghệ thuật tuồng cũng được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Dân làng ở đây thường nói: “Phi tuồng bất thành hội”. Các nghệ sĩ, là những người làm ruộng, làm vườn hay đủ các nghề trong làng, nhưng khi bước lên sân khấu lại hóa thân đầy chuyên nghiệp. Họ không qua trường lớp mà học nghề theo kiểu “truyền khẩu-truyền tâm”. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hạnh, 66 tuổi, cho biết: “Người diễn tuồng phải tự hóa trang theo mẫu mặt cổ. Nhìn mặt đỏ râu dài là biết trung thần, mặt gian râu ngắn là vai nịnh”. Lễ rước hội làng Thổ Hà cũng đặc biệt hơn những nơi khác, bởi có hơn 20 nhân vật tuồng được hóa trang công phu xuất hiện như một nghi lễ không thể thiếu.

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, tỉnh Nam Định không chỉ nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước mà còn lưu giữ một loại hình rối cạn độc đáo, đó là múa rối đầu gỗ chầu Thánh, mang đậm yếu tố tâm linh và nghi lễ. Đây là loại hình nghệ thuật gắn liền với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Chùa Đại Bi, huyện Nam Trực. Múa rối chầu Thánh không đơn thuần là trò diễn để giải trí mà là hình thức “hầu Thánh”, tức là múa hát cho Thánh xem, cụ thể là Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị Thánh tổ được thờ tại chùa Đại Bi.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trùm hội rối chùa Đại Bi cho biết: “Rối chầu Thánh là nghi lễ tâm linh, phải có tâm thiện mới được diễn. Trước khi vào hội, nghệ nhân phải giữ mình thanh tịnh”. Đến nay, rối chầu Thánh chùa Đại Bi được nhiều người biết tới, gắn liền các hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Điều đó có được phần lớn nhờ nỗ lực truyền dạy, phục dựng và bảo tồn của nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng và các thành viên trong hội rối chùa Đại Bi.

Dưới mái đình làng cổ kính, giữa khói hương và tiếng trống rộn rã, những di sản diễn xướng dân gian vẫn được cất lên bởi những nghệ nhân bình dị, người nông dân, cụ già, thiếu nữ, như một minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của văn hóa Việt.

Và để di sản tồn tại, phát triển, cần có người diễn xướng, người gìn giữ cùng những cộng đồng tiếp nối văn hóa bằng hành động cụ thể. Như nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Đặng Hoành Loan từng nói: “Di sản chỉ sống được khi còn người diễn xướng. Văn hóa không chỉ là thứ để trưng bày, mà phải là thứ được sống, được cảm nhận và được nối tiếp”.