Bộ Giáo dục và Đào tạo: 5 lý do để bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

NDO - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục. 
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh THCS (Ảnh minh họa)
Học sinh THCS (Ảnh minh họa)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến. Tại Dự thảo đưa ra một số thay đổi, trong đó có việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS.

Dự thảo Luật quy định bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho việc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS; giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường trung học phổ thông (THPT)/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT thay cho việc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Việc thay thế cấp bằng THCS bằng xác nhận hoàn thành chương trình vẫn bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý cho người học chuyển cấp, học nghề hoặc học tiếp theo nguyện vọng

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu tất yếu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, nhà nước, đáp ứng thực tiễn quản lý giáo dục và tiệm cận thông lệ quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 5 lý do để tiến hành bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Thứ nhất, thể chế hóa kịp thời chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW (năm 2022) và Kết luận số 137-KL/TW (năm 2025) của Bộ Chính trị.

"Việc trao quyền cho người đứng đầu cơ sở giáo dục trong xác nhận, cấp bằng là bước đi cụ thể trong phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý và cơ sở thực thi" - Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Thứ hai, phù hợp với xu thế quản trị hiện đại, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực điều hành, góp phần xóa bỏ khâu trung gian hành chính không cần thiết, rút ngắn quy trình, giảm áp lực cho cơ quan quản lý cấp huyện và tỉnh, đồng thời tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các nhà trường.

Thứ ba, phù hợp với bản chất của phổ cập giáo dục THCS là chính sách xã hội, không phải là hệ thống đào tạo có đầu ra bằng cấp. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học là đủ để phục vụ phân luồng, chuyển cấp, không cần thiết duy trì cơ chế cấp bằng hành chính.

Thứ tư, tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện hội nhập. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Phần Lan, Canada,... không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà giao quyền xác nhận kết quả học tập cho hiệu trưởng, sử dụng như căn cứ học tiếp lên bậc cao hơn hoặc định hướng nghề nghiệp.

Thứ năm, không ảnh hưởng đến quyền và cơ hội học tập của người học. Việc thay thế cấp bằng bằng xác nhận hoàn thành chương trình vẫn bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý cho người học chuyển cấp, học nghề hoặc học tiếp theo nguyện vọng.