Hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ cao

NDO - Sáng 12/5, Trường Đại học Điện lực tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo các ngành Điện tử Viễn thông, Vật liệu bán dẫn-Vi mạch và Kỹ thuật máy tính. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kết nối nhà trường với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyên gia, hướng tới phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong kỷ nguyên số.
0:00 / 0:00
0:00
Trường Đại học Điện lực ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, thúc đẩy liên kết đào tạo, nghiên cứu và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Trường Đại học Điện lực ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, thúc đẩy liên kết đào tạo, nghiên cứu và phát triển nhân lực chất lượng cao.

Chương trình là sự kết hợp giữa các đối tác chiến lược, bao gồm Trường Đại học Điện lực, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), VNPT Technology, Trung tâm Bán dẫn Viettel, FPT Telecom, Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 1, Công ty Cổ phần Công nghệ Pavana và các cơ quan, đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ.

PGS.TS. Đinh Văn Châu, hiệu trưởng trường Đại học Điện lực, phát biểu: “Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, không một trường đại học nào có thể phát triển bền vững nếu đi một mình. Sự phối hợp đa chiều giữa nhà trường với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết nghiên cứu với thực tiễn và gia tăng giá trị đổi mới sáng tạo".

Hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ cao ảnh 1

PGS.TS. Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực.

Trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, an ninh năng lượng, công nghệ vi mạch, vật liệu bán dẫn và kỹ thuật số là những trụ cột của nền kinh tế số và công nghiệp thì việc phát triển nhân lực chất lượng cao không chỉ là hoạt động đào tạo mà là một chiến lược đầu tư cho tương lai của đất nước, PGS.TS. Đinh Văn Châu chia sẻ.

TS. Nguyễn Cương Hoàng, Giám đốc Trung tâm Bán dẫn Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, nhưng cũng đồng thời đối mặt với thách thức rất lớn về nhân lực, cả về số lượng lẫn chất lượng trong những năm tới.”

Hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ cao ảnh 2

TS. Nguyễn Cương Hoàng, Giám đốc Trung tâm Bán dẫn Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội.

Ông nhấn mạnh, các lĩnh vực như công nghệ chip, thiết kế phần cứng, phần mềm nhúng, xử lý tín hiệu và hệ điều hành thời gian thực đều đòi hỏi nền tảng nghiên cứu chuyên sâu và nguồn nhân lực có tay nghề cao. “Chúng tôi tin rằng việc hợp tác chặt chẽ với các trường đại học sẽ là giải pháp bền vững, góp phần hình thành đội ngũ kỹ sư và nhà nghiên cứu vững chuyên môn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe của ngành bán dẫn trong kỷ nguyên số”, ông Hoàng cho biết.

Sự liên kết chặt chẽ giữa các bên sẽ không chỉ nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo, mà còn đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ bán dẫn quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng cạnh tranh trong khu vực và trên trường quốc tế.

Hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ cao ảnh 3

Các đại diện cơ quan, đơn vị đầu ngành ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam.

GS.TS. Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định: “Việc quy tụ được sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cùng các cơ quan nghiên cứu uy tín tại Việt Nam là một tín hiệu tích cực, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu công nghệ cao, đặc biệt ở các lĩnh vực mũi nhọn như vi mạch và vật liệu bán dẫn”.

Việc các giảng viên có trình độ cao trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu không chỉ giúp sinh viên và giảng viên trẻ tiếp cận với các đề tài thực tế mà còn được làm việc trong phòng thí nghiệm hiện đại và tham gia vào các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu trong bối cảnh phát triển công nghiệp vi mạch quốc gia.

Trong khuôn khổ chương trình diễn ra tọa đàm “Đào tạo và Nghiên cứu khoa học ngành Điện tử Viễn thông, Vật liệu bán dẫn-Vi mạch và Kỹ thuật máy tính trong Kỷ nguyên số”, trao đổi học thuật giữa các đơn vị và định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ.