Bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm

NDO -

NDĐT – Mặc dù thời tiết đã sang mùa hè, nhưng bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ghi nhận tại một số bệnh viện, số bệnh nhân mắc sởi luôn đông hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác.

Nhiều bệnh nhi nhập viện vì mắc sởi.
Nhiều bệnh nhi nhập viện vì mắc sởi.

Tại TP Hà Nội từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh sởi đã xuất hiện ở 20 quận huyện. Lũy tích năm 2019, tại Hà Nội ghi nhận 1.274 trường hợp, hiện 1.229 trường hợp đã khỏi, chỉ còn 45 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong. Các quận, huyện có số ca mắc cộng dồn cao như: quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Trì.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân mắc sởi. So với 3, 4 tháng đầu năm 2018, số ca mắc sởi năm 2019 tăng gấp ba lần. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp khi vào viện có những biến chứng rất nặng.

BS Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi tiêu hóa lây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, từ đầu năm đến nay, sởi tăng đột biến, tăng nhiều hơn so với sởi năm ngoái. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhi mắc sởi biến chứng suy hô hấp và viêm phổi, chủ yếu là những ca chưa tiêm phòng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhi nhập viện do mắc sởi. Số bệnh nhân mắc sởi chiếm phần lớn số giường bệnh ở đây.

Bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm ảnh 1

Bệnh nhi mắc sởi, các bệnh hô hấp nhập viện tăng cao trong những ngày vừa qua tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Trong khi đó, số bệnh nhi phải viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cũng tăng cao. Chỉ sau vài ngày nắng nóng đỉnh điểm, số trẻ đến khám và điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội tăng gấp rưỡi so với bình thường. Hiện, 70 trẻ đang được điều trị nội trú mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp, tiêu hóa. Trong đó 50% trẻ mắc các bệnh hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi…

BS Dương Văn Long, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, về các bệnh hô hấp, đặc biệt là viêm phổi mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận 15 bệnh nhi, có ngày 20 bệnh nhi. Các cháu vào viện trong tình trạng sốt cao, có cháu sốt 41 độ C, xuất hiện co giật.

Đặc biệt, tình hình dịch sởi không có dấu hiệu thuyên giảm. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận 5-10 bệnh sởi. Điều trị nội trú hiện tại có khoảng 15 bệnh nhi mắc sởi, hầu hết đều chưa tiêm phòng.

“Tình hình dịch sởi năm nay so với mọi năm phức tạp hơn, dù thời tiết đã nắng nóng, nhiệt độ tăng lên. Bệnh sởi tăng và xuất hiện nhiều ở mùa này là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và cũng do các bậc phụ huynh chưa ý thức đưa con đi tiêm chủng chưa đồng đều”, BS Long nói.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thúy Hồng, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp và tốc độ lây rất nhanh và nếu như các bậc cha mẹ không để ý và không cách ly cho các cháu mắc bệnh thì mức độ lây lan ra cộng đồng rất lớn.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện nay TP Hà Nội vẫn đang triển khai tiêm vaccine để phòng chống bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm của trẻ em khác. Với riêng bệnh sởi, tất cả trẻ em khi chín tháng tuổi phải tiêm phòng ngay mũi 1, không chờ tiêm dịch vụ. Các gia đình nên chú ý đưa con đi tiêm phòng đúng lịch để phòng bệnh sởi cho con.

Sởi là siêu vi của đường hô hấp, triệu chứng ban đầu thường là sốt, đau họng, ho khan, sổ mũi, mắt sưng đỏ, sau vài ngày có biểu hiện nổi ban đỏ và lan nhanh xuống ngực, lưng và tay chân. Vì vậy, khi có dấu hiệu này, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ thăm khám và điều trị, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.