Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

NDO - Ngày 19/5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương do đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, làm trưởng đoàn, đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dâng hương tại khu tưởng niệm.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dâng hương tại khu tưởng niệm.

Tại đây, sau phút mặc niệm trang nghiêm, đồng chí Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân, Văn phòng Chính phủ, tỉnh Lào Cai, tỉnh Hòa Bình, đã dâng hương tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 64 liệt sĩ để giữ đảo Gạc Ma (Trường Sa) vào ngày 14/3/1988.

Đoàn công tác đã thăm nơi đặt viên đá đầu tiên xây khu tưởng niệm; xúc động khi chứng kiến những kỷ vật của các chiến sĩ còn để lại trước lúc hy sinh.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công xây dựng năm 2015 trên diện tích 2,5ha, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2017.

Từ đó đến nay, khu tưởng niệm đã đón hơn 2.700 đoàn, với khoảng 580.000 lượt khách đến thăm viếng; chọn khu tưởng niệm làm “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ảnh 2

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dâng hoa tại khu tưởng niệm.

* Sáng cùng ngày, đoàn công tác Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã đến thăm, động viên cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn tàu ngầm 198 (Vùng 4 Hải quân). Đồng chí Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác bày tỏ niềm tự hào khi tham quan thị sát 6 tàu ngầm lớp Kilo mang tên Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu; một dấu ấn trong lịch sử phát triển của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Theo báo cáo của Lữ đoàn 198, Kilo thuộc lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel-điện, có nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống ngầm. Đây là tàu ngầm thuộc thế hệ thứ ba (loại tiên tiến nhất thế giới), dài gần 74m, rộng 10m, lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ (37km/h), lặn sâu tối đa 300m, hoạt động độc lập 45 ngày đêm, thủy thủ đoàn 52 người.

Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533mm. Song vũ khí uy lực nhất là tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Klub-S. Tổ hợp này gồm ít nhất 5 mẫu tên lửa khác nhau, giúp chỉ huy tàu ngầm lựa chọn linh hoạt vũ khí trong tác chiến. Ví như tên lửa 3M54E chứa đầu nổ nặng 450kg, tầm bắn tối đa 220km, đủ sức phá hủy tàu mặt nước cỡ lớn. Phiên bản 3M-54E1 có tầm bắn 300km, bay ở tốc độ cận âm 990km/h.

Hay như tên lửa chống ngầm 91RE1/TRE2 có tầm bắn 50km, có khả năng tự tách đầu đạn để ngư lôi tìm mục tiêu. Phiên bản này có tốc độ tối đa 2.900 km/h, ngư lôi mang đầu nổ 76kg đủ sức đánh thủng vỏ tàu ngầm đối phương. Đó còn là tên lửa 3M-14E với hệ thống định vị toàn cầu, sử dụng hệ thống đo độ cao, khớp ảnh địa hình nên có thể bay bám sát địa hình, khiến đối phương khó phát hiện.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ảnh 3

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, thăm nơi trưng bày kỷ vật liệt sĩ.

Trong buổi thăm, đồng chí Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 198; đón nhận món quà ý nghĩa của Lữ đoàn lấy từ độ sâu 285m khi di chuyển ở gần khu vực đáy biển.

Bởi tàu ngầm có khả năng “tàng hình” trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại, ẩn mình tốt hơn trong lòng biển để tiếp cận địch và tấn công trước khi bị phát hiện. Thế nên Kilo được hải quân Mỹ mệnh danh là “hố đen trong lòng đại dương”.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ảnh 4

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đón hơn 2.700 đoàn, với khoảng 580.000 lượt khách đến viếng.

Đoàn công tác khẳng định, việc hiện đại hóa hải quân, phát triển lực lượng tàu ngầm là việc làm bình thường của quốc gia có biển. Đó không phải là chạy đua vũ trang, càng không phải để răn đe, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống.