Cần chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời

“Đề án 500 trí thức trẻ” (Đề án 500) được triển khai năm 2013 là một sáng kiến nhằm kêu gọi và tận dụng tri thức, sức trẻ của thanh niên trong công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi. Cũng như cả nước, hơn 10 năm qua, các đội viên thuộc Đề án tại tỉnh Quảng Bình đã có những đóng góp vào sự phát triển của địa phương nhưng hiện nay lại lâm vào cảnh không ổn định trong thời điểm địa phương đang sắp xếp lại đơn vị hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
Các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tại Quảng Bình chia sẻ tâm tư trước nguy cơ không còn chỗ làm sau đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tại Quảng Bình chia sẻ tâm tư trước nguy cơ không còn chỗ làm sau đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Đề án 500 trí thức trẻ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi trên cả nước. Mục tiêu cụ thể là tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học để bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp cơ sở.

Tại Quảng Bình, có 15 đội viên thuộc Đề án 500 được tuyển dụng. Tất cả đều phải trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe với nhiều vòng sàng lọc, nhằm bảo đảm những người được tuyển dụng đều là nhân sự chất lượng cao, có đủ năng lực và tâm huyết để cống hiến cho các địa phương đặc biệt khó khăn. Sau khi trúng tuyển và được cử đi đào tạo, các đội viên được phân công về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, đảm nhiệm các vị trí cán bộ như kế toán, văn hóa - xã hội, địa chính, tư pháp... Hơn 10 năm qua, họ đã không ngừng nỗ lực đóng góp, giúp các xã miền núi và vùng sâu, vùng xa từng bước vươn lên. Tuy nhiên, đến khi đề án kết thúc, nhiều người vẫn chưa được tuyển dụng chính thức.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1991), trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những đội viên của Đề án 500. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng và hoàn thành chương trình thạc sĩ kế toán, chị thi đỗ và được tuyển dụng vào làm kế toán tại Ủy ban nhân dân xã Phú Trạch (nay là xã Hải Phú) từ tháng 3/2015 theo Đề án. Hơn 5 năm tận tụy với công việc, đến tháng 3/2020, khi Đề án kết thúc, chị Linh bất ngờ rơi vào tình trạng thất nghiệp trong thời gian dài. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp bố trí đối với đội viên Đề án 500, cho phép các địa phương gia hạn hợp đồng cho các đội viên đến ngày 31/12/2025, và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đề nghị các huyện tiếp tục bố trí công tác cho số cán bộ này, thì tháng 5/2021 chị Linh mới được phân về công tác tại Ủy ban nhân dân xã Phúc Trạch. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ, sau nhiều năm công tác, bản thân luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, không nề hà khó khăn nhưng đến nay vẫn chưa có tương lai ổn định, do vẫn là nhân viên hợp đồng.

Theo quy định tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại xã trong thời gian 5 năm (đủ 60 tháng), đội viên Đề án 500 được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên, theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Quảng Bình, đến tháng 12/2020 (thời điểm kết thúc Đề án), các đội viên đều chưa được bố trí, tuyển dụng thành cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện và viên chức. Trong khi đó, các địa phương nơi đội viên công tác đều có nhu cầu tiếp tục sử dụng đội ngũ này nhưng gặp khó khăn trong tuyển dụng hoặc bố trí công việc lâu dài đối với đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng, Ủy ban nhân dân huyện đã nhiều lần kiến nghị Sở Nội vụ Quảng Bình hướng dẫn cụ thể về việc tuyển dụng đội viên Đề án 500 vào công chức. Tuy nhiên, do chưa nhận được ý kiến từ cấp trên, quá trình này vẫn đang tạm dừng. Hiện nay, việc tuyển dụng trí thức trẻ gặp nhiều khó khăn do quá trình sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Số lượng đơn vị hành chính giảm, chỉ tiêu biên chế cũng bị thu hẹp, khiến việc bố trí nhân sự mới khó khăn hơn. Trong thời gian chờ tuyển dụng, đội viên Đề án 500 tiếp tục được ký hợp đồng lao động tại xã, hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg và Thông tư 68/2014/TT-BTC.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình Trần Thế Vương cho biết: Hằng năm, Sở có văn bản gửi về các địa phương, đề nghị nếu có nhu cầu tuyển dụng thì ưu tiên các đội viên Đề án 500. Trong bối cảnh sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay, việc tuyển dụng thật sự gặp khó khăn. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét có sự ưu tiên đối với các trường hợp này.

Ngày 1/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về giải pháp bố trí đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã phát triển nông thôn, miền núi sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện đề án có trách nhiệm xây dựng phương án, tổ chức tuyển dụng, bố trí đội viên vào làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.

Như vậy, việc đề xuất tiếp tục bố trí đội viên Đề án 500 vào làm cán bộ, công chức nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển bền vững của từng địa phương cần được quan tâm bằng chính sách cụ thể, có xét tới đặc thù để bảo đảm quyền lợi cho các trí thức trẻ ưu tú ■