Tôi thích cách các bức ảnh kể về những gì đã qua
- Sau khi hoàn thành bộ tứ chuyên khảo viết về Đà Lạt, cảm giác của anh lúc này hẳn là nhẹ nhõm?
- Vâng, tôi thấy nhẹ và rỗng. Cũng dễ hiểu thôi, thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác đó sau khi hoàn tất một việc cần tập trung tâm sức trong một thời gian dài: viết xong một cuốn sách, leo lên một đỉnh núi...
- Ở cuốn sách cuối trong bộ chuyên khảo, nhan đề: Đà Lạt, thành phố trong album, anh chọn kể về nơi này qua những tấm ảnh. Vì sao lại là ảnh trong khi thành phố này cũng được nhắc nhớ đến nhiều trong các lĩnh vực nghệ thuật khác, như là âm nhạc cùng phần đời của nhiều nhạc sĩ danh tiếng, chẳng hạn?
- Tôi thích cách các bức ảnh kể về những gì đã qua. Đại ý, nói như nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng người Mỹ, Susan Sontag, những tấm ảnh không phải là sự thật mà là hình bóng của sự thật. Nhìn sự thật qua những hình bóng tĩnh tại, tưởng chừng bị quên lãng, đối với tôi, điều đó chạm đến bản chất của cuộc sống nhiều nhất!
Âm nhạc mà bạn nhắc đến với giai điệu và ca từ, với hòa âm và giọng ca, thuộc về một thế giới khác, một lối giao cảm khác... Thỉnh thoảng tôi vẫn bước vào âm nhạc nhưng chỉ nhất thời, rồi lại bước ra... Nhưng trước những bức ảnh lặng lẽ và xa lạ, tôi có thể chìm đắm, nghe thấy nhiều âm vang và cung bậc, hương vị và màu sắc hơn. Chúng có thể giúp mở ra cho tôi những cuộc dò tìm vết tích của quá khứ, cảm nhận rõ nét sự chuyển động của thời gian và dịch biến của đời sống.
- Lựa chọn hình ảnh cho cuốn sách về Đà Lạt của anh được cân nhắc với tiêu chí như thế nào?
- Đà Lạt, thành phố trong album, như tên gọi, vừa có tính rút gọn lại vừa có tính phóng chiếu về quá khứ: con người, phong cảnh trong cuốn album đã được sao lục qua nhãn quan của tôi, nơi sự chết trong khoảnh khắc lại chính là sự sống miên viễn của đối tượng.
Những bức ảnh nổi trôi qua thời gian và không chỉ kể câu chuyện vô thường của con người, cảnh sắc trên mặt ảnh, mà còn gợi ra các phóng tưởng về chính sự tồn tại của mình trên dòng thời gian. Hãy hình dung, với cách nhìn đó, thì mỗi bức ảnh đã là một cành nhánh rậm rạp trong một cánh rừng hoang vu và mịt mùng rồi!
Như vậy, có thể nói, tôi quan tâm tới sự biểu hiện của nhiếp ảnh truyền thống. Những bức ảnh của thế giới ngày hôm qua giúp tôi tìm thấy cấu trúc của thời gian, phương thức lưu dấu tồn tại và sắc thái mong manh của hiện sinh…
Đà Lạt vừa là chính nó, vừa dị biệt, vừa xa lạ với chính nó
- Lý do khiến anh bị vùng đất này “ám ảnh”?
- Tôi đã từng nói về tính biểu trưng, thân phận, lịch sử, văn hóa của thành phố này khi đặt cạnh bên những đô thị khác ở miền nam trong quá khứ. Tôi cũng từng nói về sứ mạng “cứu rỗi”, mang lại sinh lực và giấc mơ một đô thị lý tưởng mà người Pháp gửi gắm vào Đà Lạt. Tôi cũng từng nói về sự biến đổi của thành phố này trong các khúc quanh của lịch sử Việt Nam hiện đại. Và dĩ nhiên, tôi cũng đã nói về câu chuyện gắn bó riêng tư giữa tôi và Đà Lạt... Nhưng gần đây tôi lại nghĩ rằng, đó không còn là một nơi chốn với tất cả những điều cụ thể. Đà Lạt trở thành đối tượng viết vì có lẽ, đang lớn dần trong tôi là một nơi chốn vừa là chính nó, vừa dị biệt, vừa xa lạ với chính nó.
- Cảm giác mỗi lần mỗi khác của anh với vùng đất này khiến tôi muốn biết, liệu anh có tự hình thành cấu trúc cho bộ bốn cuốn sách chuyên khảo về thành phố này từ những ngày đầu anh muốn viết về nó hay không?
- Ban đầu, tôi có hình dung về một cấu trúc theo phương pháp thực hiện, đi từ một du khảo đến hai biên khảo và kết bằng một khảo luận. Hệ thống tài liệu tôi định sử dụng cũng không nằm ngoài những tính toán trên. Điều còn lại là xử lý nội dung của từng cuốn, tựa vào một lực tự thúc đẩy, khởi sinh từ quá trình chuyển tiếp các “trường đoạn” và khả năng xử lý chất liệu, tư liệu có trong tầm tay.
- Điều đáng chú ý là xen kẽ giữa những cuốn chuyên khảo là các tác phẩm có thể gọi là “bán hư cấu” về Đà Lạt; lượng đầu sách của anh về thành phố này trong 10 năm qua cũng xấp xỉ con số 10. Vì sao lại có những “gián đoạn” này?
- Các hư cấu hoặc “bán hư cấu” như bạn gọi được viết ra giữa những cuốn “khảo” là sự phóng chiếu một mặt khác của “cuộn phim tâm trí tôi”. Có thể là một thứ “âm bản của âm bản”.
- Hóa ra Đà Lạt tạo ra rất nhiều ngã rẽ cho anh. Với tính chất này, có thuận lợi và, ngược lại, khó khăn gì cho anh trong quá trình viết về Đà Lạt?
- Riêng với bộ bốn cuốn chuyên khảo, tôi thực hiện với tinh thần hoàn toàn độc lập nên cũng có một số khó khăn nhất định trong quá trình thu thập tài liệu, từ cơ quan hành chính đến trong cộng đồng. Ngoài ra còn sự khó khăn về điều kiện đi lại, nguồn kinh phí và thời gian, bởi tôi vẫn sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những vấn đề chung mà một người nghiên cứu độc lập như tôi luôn gặp phải... Tuy nhiên, bạn thấy đấy, khi một việc đã xong xuôi rồi, sự thuận lợi hay may mắn lại đáng để nhớ hơn!
- Anh vừa nói đến “một việc đã xong rồi”. Anh chắc là sẽ dời Đà Lạt khỏi các trang viết của mình? Tôi không tin.
- (cười) Tôi đã kết thúc bộ bốn chuyên khảo như dự tính. Còn Đà Lạt vẫn ở đó, trôi bồng bềnh đâu đó, như mọi chốn, tôi có thể gặp lại hoặc không. Không biết trước được!
Còn về tương lai, trong lúc thong thả, tôi đang nhuận sắc cho những bản thảo hư cấu lâu nay có phần bị bỏ bê, thiếu thời gian chăm sóc. Tôi cũng sẽ viết vài truyện ngắn... Tôi còn đang xây dựng cho mình một kế hoạch viết mới, dài hơi. Tuy nhiên, mọi thứ thật chậm rãi. Tất cả còn nằm trong tình trạng do dự, thậm chí được mở sẵn đường lùi bởi tôi cũng cần tính tới nhiều điều kiện ngoại cảnh khác, trong đó có sức khỏe nữa...
- Hy vọng sẽ sớm được thưởng thức các tác phẩm mới của anh. Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
![]() |
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên (bìa phải) trong quá trình tìm kiếm tài liệu tại Nhà số 3, đường Yagout, Đà Lạt, năm 2024. Ảnh: NVCC |