Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo kết quả tám năm thực hiện Nghị quyết số 49, Ban cán sự Ðảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khẳng định: Kết quả triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, công chức ngành kiểm sát. Ngành kiểm sát nhân dân đã nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án về cải cách tư pháp, như: "Tổ chức bộ máy, chức năng và nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp", "Nghiên cứu việc chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố", "Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam", "Ðổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân nhằm thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng"...
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị trong ngành kiểm sát nhân dân thời gian qua. Ðặc biệt, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tích cực tham gia trong quá trình lấy ý kiến đóng góp về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị của ngành kiểm sát nhân dân, như: Việc tăng cường vai trò của công tố và gắn công tố với điều tra chưa đạt nhiều hiệu quả; chưa xây dựng được một nền công tố mạnh và phát huy vai trò kiểm sát hoạt động điều tra. Chất lượng tranh tụng tại tòa của kiểm sát viên chưa cao, chưa ngang tầm yêu cầu cải cách tư pháp.
Ðề cập nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần chủ động, tích cực phối hợp Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xây dựng, chuẩn bị thật tốt nội dung Chương về ngành kiểm sát trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, để đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành kiểm sát trong sạch, vững mạnh và bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực, cũng như đáp ứng yêu cầu cải cách, phục vụ đắc lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu chủ trương chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố, đồng thời tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra; phát huy vai trò của Trường đại học Kiểm sát Hà Nội mới được thành lập, để đây là cơ sở đào tạo nguồn cán bộ có trình độ, chất lượng cao cho ngành kiểm sát.