Tưởng niệm Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân

Sáng 1-6, tại Đền thờ cụ Nguyễn Hữu Huân, ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), đông đảo người dân tỉnh Tiền Giang đã đến dự lễ kỷ niệm 129 năm Ngày mất Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, nhằm tưởng nhớ và ôn lại truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của vị Anh hùng dân tộc.

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 và mất năm 1875, trong một gia đình nông dân ở làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Lúc còn nhỏ, ông nổi tiếng thông minh và học giỏi. Năm 1852 dưới triều vua Tự Đức, ông đã đậu Thủ khoa nên được gọi là Thủ khoa Huân.

Vốn là nhà trí thức yêu nước, ngay từ buổi đầu khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Nam Kỳ, ông từ bỏ chức Giáo thọ, từ biệt gia đình, cùng với các sĩ phu, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc. Năm 1861, khi giặc Pháp tiến chiếm Mỹ Tho, ông cùng người bạn chiến đấu thân thiết là Võ Duy Dương (tức Thiên Hộ Dương) phát động cuộc khởi nghĩa lớn từ Tân An đến Mỹ Tho. Nhiều trận đánh lớn nổ ra, trong đó có trận chiến đấu 57 ngày đêm chống lại cuộc tiến công của quân Pháp ở Mỹ  Quý đã tiêu diệt   được   nhiều   quân   địch.

Đến ngày 15-5-1875, sau trận chiến đấu bị thất bại, ông bị  bắt. Biết không thể lay chuyển được tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh kiên cường của ông, cho nên bốn ngày sau khi bị bắt, thực dân Pháp đã kết án tử hình ông.

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân mất đi, nhưng tên tuổi, sự nghiệp và tinh thần yêu nước của cụ vẫn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Sự nghiệp, đạo đức của Cụ đã để lại cho đời sau những tấm gương sáng chói và quý báu về lòng yêu nước và ý chí bất khuất sáng ngời.