Từ di tích lịch sử đến những bài học sinh động

Địa đạo Củ Chi, một biểu tượng của sức mạnh Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng kiến độc đáo. Từ mô hình học tập ứng dụng liên môn (STEM) đến “bảo tàng ảo” trong trò chơi điện tử trực tuyến (game online), thế hệ trẻ đang tiếp nối truyền thống và lòng tự hào dân tộc theo cách của thời đại mình.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình Địa đạo Củ Chi của nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội). (Ảnh LÊ DUY)
Mô hình Địa đạo Củ Chi của nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội). (Ảnh LÊ DUY)

Nằm ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, Địa đạo Củ Chi ngày nay là di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục lịch sử

Có tổng chiều dài lên tới 250km, đầy đủ chức năng phòng thủ và chiến đấu, được tạo nên hoàn toàn bởi sức người từ những công cụ thô sơ, Địa đạo Củ Chi đã phản ánh trí tuệ, bản lĩnh của quân và dân ta, góp phần tạo nên những chiến công oanh liệt.

Một trong những sản phẩm nổi bật của giới trẻ trong việc tôn vinh Địa đạo là “Mô hình Địa đạo Củ Chi” của nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), đã giành giải đặc biệt tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20-năm 2024 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Mô hình do nhóm 5 học sinh khối lớp 8 và 9 là Lưu Bảo Châu, Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Lâm Uyên, Lê Ngọc Khải Vỹ, Nguyễn Thanh Mai khởi xướng, thực hiện.

Điểm nổi bật của sản phẩm là sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại: tạo hình các robot chiến sĩ và dân quân được nặn bằng bột tò he; trong khi hoạt động được thiết kế và vận hành các công nghệ như cảm biến, tự động hóa, sử dụng pin năng lượng mặt trời… Các nhân vật robot có thể di chuyển theo kịch bản video trình chiếu để điều hướng người xem đến các vị trí trong địa đạo. Đèn led tại khu vực được giới thiệu cũng phát sáng, tạo hiệu ứng bắt mắt, mang lại trải nghiệm trực quan.

Mô hình này còn tích hợp các mã QR giúp học sinh và người tham quan có thể tìm hiểu thêm thông tin lịch sử về từng điểm trong địa đạo, từ hầm chứa vũ khí, kho lương thực, khu quân y… cho đến các chiến thuật chiến đấu sử dụng trong thời kỳ kháng chiến.

Nhóm học sinh cũng tạo ra trò chơi hỏi đáp lịch sử với ba cấp độ, cung cấp kiến thức về Địa đạo Củ Chi một cách thú vị và sinh động. Toàn bộ nội dung thông tin được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, có lời thu âm, tra cứu thông tin, video tương tác... giúp học sinh có trải nghiệm mới khi học lịch sử cũng như mang đến khả năng tiếp cận khán giả quốc tế.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, mô hình có tiềm năng trở thành giáo cụ thực tế hữu ích, phù hợp với giáo viên, học sinh các cấp trong việc dạy và học về một di tích lịch sử quan trọng của đất nước. Đại diện nhóm, em Lưu Bảo Châu chia sẻ, thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục phát triển thêm tính năng, bổ sung thêm các ngôn ngữ thông dụng, như tiếng Trung, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Các em cũng dự định sáng tạo thêm mô hình giới thiệu về Địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị).

"Vẽ" bản đồ địa đạo trong không gian số

Bên cạnh sáng tạo trong giáo dục truyền thống, kỹ thuật số cũng đang là công cụ đắc lực giúp giới trẻ tiếp cận và tôn vinh các giá trị lịch sử của dân tộc. Một dự án đặc biệt khác về Địa đạo Củ Chi là sự tái hiện công trình quân sự huyền thoại này trong Mini World - một game online dành cho người chơi từ 9 tuổi trở lên.

Ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), bản đồ “Địa đạo Củ Chi-Theo dấu bình minh” nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt tham quan và bình luận sôi nổi của cộng đồng người chơi, cho thấy sức hấp dẫn và sự quan tâm mạnh mẽ của giới trẻ đối với những sáng tạo vừa giải trí vừa mang tính giáo dục, khơi dậy lòng tự hào và tinh thần dân tộc.

Nhóm tác giả lập trình là Mini-Dev, gồm Nguyễn Tuấn Tiến (sinh năm 1994), Trường Giang (sinh năm 2006), Hoàng Nhân (sinh năm 2011) và Mini Cá (sinh năm 2007); đã dành khoảng ba tuần để nghiên cứu và dựng lại Địa đạo Củ Chi trong môi trường game. Để bảo đảm các chi tiết trong bản đồ sát với thực tế, nhóm đã chia nhau tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu cũng như đến khu di tích lịch sử. Trưởng nhóm Nguyễn Tuấn Tiến cho biết, ý tưởng tạo Địa đạo Củ Chi trong Mini World ra đời từ hiệu ứng mạnh mẽ của bộ phim điện ảnh “Địa Đạo - Mặt trời trong bóng tối”.

Nhóm mong muốn các bạn thanh thiếu niên chưa có điều kiện tham quan Địa đạo Củ Chi, hoặc chưa đủ tuổi để xem bộ phim “Địa Đạo” cũng biết đến và cảm nhận được một địa danh độc đáo chứa đựng bao kỳ tích. Là trò chơi trực tuyến, bản đồ tích hợp nhiều nhiệm vụ tương tác như hoàn thành hành trình, trả lời câu hỏi lịch sử, tìm kiếm vật phẩm… để người chơi trải nghiệm và ghi nhớ lịch sử một cách tự nhiên, thú vị. Sau khi kết thúc “Địa đạo Củ Chi”, nhân vật trong game sẽ bước tiếp tới một bản đồ mới thể hiện các công trình văn hóa và danh lam thắng cảnh khác trên đất nước Việt Nam, cũng được xây dựng bởi Mini-Dev. Đó là thông điệp nhân văn từ nhóm tác giả GenZ: sau bóng tối của chiến tranh sẽ là ánh sáng của hòa bình, nơi non sông tươi đẹp đang phát triển từng ngày và tiếp tục mở ra những trang sử mới.

Qua những dự án trên, có thể thấy khả năng sáng tạo phong phú và linh hoạt của các bạn trẻ Việt Nam trong việc kết nối quá khứ và hiện tại, phát huy các di sản quý báu của dân tộc qua lăng kính công nghệ. Với những “chương trình” học nằm ngoài sách vở chân thực và hấp dẫn, giá trị của Địa đạo Củ Chi nói riêng và các di tích, địa danh lịch sử nói chung đã và đang được giữ gìn, lan tỏa tới mai sau, từ Việt Nam ra thế giới.