Tìm địa chỉ, truy rõ trách nhiệm

Do quy định pháp luật chưa rõ ràng, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, quá trình thực thi có những vi phạm nhất định hay gặp “điểm nghẽn” nên nhiều dự án có vốn đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước bị dừng lại. Những dự án này là nguồn lực lớn của đất nước, nếu chậm hoặc không đưa được vào đời sống sẽ là lãng phí rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Cống kiểm soát triều Phú Định - thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Cống kiểm soát triều Phú Định - thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

Câu chuyện như “đại công trường Hà Giang” hay những công trình “tiền tỷ” chỉ xây để… hoàn thiện hồ sơ nông thôn mới tại rất nhiều địa phương trên cả nước từng trở thành gánh nặng cho ngân sách. Gần đây, câu chuyện nợ nần này được nối dài với nhiều cái tên mới như: Dự án Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, với tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng; Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, với tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng. Theo tính toán sơ bộ của cơ quan thanh tra, hai dự án này đã sử dụng gần 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, rồi bỏ không gần 10 năm dẫn đến thiệt hại ngân sách là hơn 1.253 tỷ đồng.

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, nhiều dự án trụ sở làm việc của các ngân hàng, tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cũng đang bị bỏ hoang, như: Dự án nhà Trung tâm Điều hành và Giao dịch Tổng công ty Xi-măng Việt Nam được khởi công từ năm 2010, với tổng vốn đầu tư hơn 2.740 tỷ đồng, hiện vẫn trơ khung bê-tông…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong số cái tên được nhắc đến để minh chứng cho sự lãng phí chính là dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư ban đầu gần 10 nghìn tỷ đồng. Từ lúc khởi công (tháng 6/2016) đến ngày 15/11/2020, khối lượng đã thi công tại các hạng mục công trình ước hoàn thành từ 85% đến 97% nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành do vướng mắc về pháp lý, thiếu vốn để hoàn thành.

Không chỉ vậy, việc tạm dừng và kéo dài dự án do các vướng mắc đã dẫn đến nhà đầu tư phải “gánh” lãi vay, phát sinh mỗi ngày 1,73 tỷ đồng. Kể cả khi có phương án khắc phục thì khoản phát sinh lãi vay cũng gây thiệt hại cho ngân sách thành phố ước khoảng 845 tỷ đồng.

Để giải quyết các vướng mắc cho dự án này, Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan cũng đã tích cực vào cuộc tháo gỡ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án khả thi và có tính pháp lý cao nhất.

Chỉ điểm qua vài dự án như trên đã thấy, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Tất nhiên, thực tế không phải dự án nào sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước cũng có tình trạng nêu trên. Đơn cử, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) có tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỷ đồng, với cách làm mới đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch và xác lập nhiều kỷ lục, như: Dự án có thủ tục đầu tư ngắn nhất, thời gian thi công ngắn nhất… Chia sẻ về dự án này, ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tự hào cho biết, nếu như đường dây 500 kV mạch 1 phải mất hai năm; mạch 2 mất gần ba năm, đường dây 500 kV đoạn Vĩnh Tân-Vân Phong cũng mất 1,5 năm thì thời gian thi công dự án này chỉ mất gần… bảy tháng.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực, rút ngắn thời gian triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, các tuyến cao tốc và dự án có tính lan tỏa cao chính là một hình thức thiết thực của phòng chống lãng phí. Và có lẽ, đây cũng chính là lý do, tại lễ khánh thành dự án nhiều kỷ lục này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra đánh giá, việc thực hiện dự án Đường dây 500 kV mạch 3 là một kỳ tích của thời kỳ Đổi mới, là bài học kinh nghiệm quý giá trong việc triển khai các công trình trọng điểm của đất nước. Cách thức triển khai dự án này cần được nhân rộng để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công như: Đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa trong việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia.